Mỗi khi nói đến căn bệnh thế kỷ này, trong chúng ta ai mà không sợ. Sợ để hiểu biết, để tránh nhiễm chứ không phải để hất hủi người nhiễm HIV/AIDS. Vì như vậy chúng ta trở thành kẻ ích kỷ. Tình thương người sẽ trừ khử bản thân chúng ta ra khỏi cuộc sống nhân đạo vốn có của con người.

Đã có lần tôi khiếp sợ và không dám tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS, dẫu biết rất rõ về "những con đường" mà bệnh này lây lan. Thế rồi có một lần bị thúc ép bởi công việc, bắt buộc phải tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS, tôi mới hiểu thế nào là nỗi khổ của những bệnh nhân HIV/AIDS.

Họ bị nhiều người xa lánh, rồi trở nên trầm cảm. Tuyệt vọng, không dám chủ động nói chuyện với người khác. Họ sợ hãi người đời cười chê, ruồng bỏ vì hễ ai trở thành nạn nhân của HIV/AIDS thì dư luận xã hội luôn phán cho một từ "đáng đời". Người ta cho là do làm nghề mãi dâm, hay tiêm chích gì đó mới bị, đó là hậu quả đáng phải nhận.

Nhưng đâu phải ai cũng như vậy, chẳng hạn những đứa bé vừa chào đời đã bị nhiễm do mẹ truyền cho căn bệnh quái ác này. Hay một ngày nào đó, nếu ta đi cắt tóc công cộng, vô tình trở thành nạn nhân của HIV/AIDS… Đến lúc đó mọi người xa lánh, rồi chúng ta sẽ nghĩ gì về họ? Đã là nạn nhân của HIV/AIDS thì dù do bản thân người đó hay do vô tình mà nhiễm thì chúng ta cũng nên mở rộng vòng tay với họ, đó chính là bản năng của con người. Họ còn yêu đời, họ rất cần chúng ta giúp đỡ.

Khi tiếp xúc với một người bạn nhiễm HIV, tôi thật sự không biết nói gì hơn là cầu mong có một thứ thuốc nào đó để giúp cho bạn khỏi bệnh. Bạn vừa nói vừa ứa nước mắt: “Nếu xét về y học thì bệnh AIDS cũng là một căn bệnh như bao bệnh khác, tại sao xã hội lại xa lánh chúng tôi?”. Bạn ấy đã trở thành một tình nguyện viên cộng đồng tham gia tuyên truyền chống lại căn bệnh của chính mình, để người khác không còn dẫm lên vết xe mà bạn đã đi qua…

Sunday, September 27, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Hãy lắng nghe người nhiễm HIV/AIDS"

Write a comment