Đường Thanh Niên, con đường nhỏ uốn lượn giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch đã từng được gọi bằng cái tên mỹ miều, đại lộ Tình nhân. Giữa cái thời tấc đất tấc vàng, trên đại lộ đó đã sinh ra một cái nghề rất lạ, nghề “bán ghế đá” cho các đôi tình nhân.

Chúng tôi vừa ngồi xuống ghế đã có một cậu thanh niên ra mời chào mua nước, mua kẹo cao su... Thấy hỏi gì tôi cũng lắc đầu, cậu ta liền đổi giọng: “Nếu anh chị không mua gì thì đứng dậy cho em bán hàng”. Cô bạn gái tôi đang lơ đãng ngắm hoàng hôn soi bóng xuống mặt hồ, thấy hơi to tiếng giật mình quay lại, bạn tôi tỏ ra ngơ ngác khi nghe câu chuyện. Thấy có vẻ bất lợi, tôi xuống nước: “Thế không mua gì nhưng anh chị ngồi đây vẫn trả tiền thì phải trả bao nhiêu?”. Cậu thanh niên dằn giọng: “Chả mất đồng nào cả, ông bà không mua gì thì biến cho tôi nhờ”.

Không "mua ghế đá" đôi tình nhân này phải ngồi tình tự trên xe máy

Chúng tôi miễn cưỡng đứng dậy đi về phía chùa Trấn Quốc, không còn hứng thú ngắm hoàng hôn, bạn gái kéo tôi ngồi xuống cái quán cóc ven hồ. Dường như bà bán quán từ hồi nãy tới giờ theo dõi được cậu chuyện bị đuổi khỏi ghế đã của chúng tôi, nên an ủi: “Ôi dào, chuyện cơm bữa ấy mà, các cháu mà làm găng lên là lại đánh chửi nhau chứ ích gì”. Chúng tôi hỏi thế sao bà không chiếm lấy một cái ghế đá mà bán như họ, bà nói, không làm cái điều thất đức ấy, tài sản là của Nhà nước, của chung, người ta ngồi là quyền của họ, mình chiếm ghế thì cũng bán được dăm ba chục ngàn tiền quà bánh, nhưng lương tâm không cho phép.

Theo bà chủ quán thì việc chiếm dụng ghế đá ven hồ Tây đã tồn tại từ lâu, thấy người này làm được, người khác cũng làm theo, thành ra mấy chục cái ghế đá ven hồ bỗng dưng có chủ. Chỗ bán hàng cũng được chia theo luật bất thành văn, chỗ ai người ấy ngồi và đương nhiên những ghế đá quanh chỗ họ ngồi là “tài sản” thuộc quyền kinh doanh của họ.

Để khẳng định “chủ quyền” những người bán hàng thường đặt lên ghế đá một món hàng nào đó, khi là quả dừa, cái ghế nhựa, lúc là chai nước... Những đôi bạn trẻ đã quen với kiểu “bán ghế đá” thì một là ngồi xuống và chịu khó mua một món hàng, hai là dựng chân chống giữa xe máy và đôi ta cùng ngồi lên “ghế da”. Chỉ tội nghiệp cho những đôi lần đầu hẹn hò nơi hồ Tây thơ mộng lại thành ra vỡ mộng, bởi kiểu kinh doanh oái oăm và trái phép này…

Xí dừa... xếp chỗ

Ven hồ Tây với đầy gió, nước gợn sóng, trăng ở trên trời long lanh. Hồ Tây dường như đã trở thành một “bến yêu” và các cặp tình nhân nghiễm nhiên xem đây như một không gian tự do yêu đương, tự do thể hiện tình yêu mà không gặp phải một sự gò bó e dè nào. Ngay từ xế chiều những cặp đang yêu đã dựng xe máy sát nhau bên lan can hồ để tâm sự. Khoảng cách các đôi nhiều khi là không có khoảng cách...

Dọc “đại lộ Tình nhân” có rất nhiều ghế đá, nhưng dường như nó cũng chẳng bao giờ đủ cho số lượng các cặp tình nhân tìm đến ngày một đông. Vậy nên các kiểu tư thế ngồi, đứng, ôm, ngả nghiêng theo cảm xúc luôn được trình diễn mặc cho người qua lại trên đoạn đường chỉ dài mấy trăm mét này lúc nào cũng nườm nượp. Mà đủ mọi lứa tuổi.

Cũng vì sự tự do yêu đương nên mới có một giai thoại vui mà các đôi tình nhân thường kể cho nhau nghe khi tới chốn hẹn hò này, đó là câu chuyện “cá Hồ Tây con nào mắt cũng bị lác”. Bất kì ai nghe kể đều hiểu vì sao người ta thêu dệt nên giai thoại vui đó và giai thoại được chấp nhận tồn tại, như một phần của chốn “thiên đường tình yêu” nơi đây.

Chuyện vui về giai thoại này với một “ma cá” của hồ Tây, người đàn ông có khuôn mặt xương xương cười chua chát. Vút lưỡi câu chùm ra xa, anh chậm rãi nói với giọng giễu cợt: “Mấy chục năm câu cá ở hồ Tây mắt tôi vẫn thường bị lác mỗi khi ngồi câu trong khuôn viên của chùa Trấn Quốc (chùa Trấn Quốc nằm trên đường Thanh Niên, từ nơi đây có thể phóng tầm mắt nhìn được toàn bộ đại lộ Tình nhân). Nói thật nhé, các cô cậu thanh niên giờ chẳng coi ai ra gì, cả một con đường người qua lại đông thế mà cứ như không. Theo tôi nếu quả thật mắt cá có lác thì là lác vì ngạc nhiên đến xấu hổ, chứ chẳng phải vì mải ngắm các đôi uyên ương tình tứ”.

“Đại lộ Tình nhân” giờ được chia cho hai thế hệ, buổi sáng các cụ ông, cụ bà lại tìm về chốn hò hẹn xưa nhưng không phải để tình tứ mà là để tập thể dục. Có lẽ đó cũng là những giây phút con đường này tìm lại được vẻ đẹp tinh khiết và tĩnh lặng vốn có của nó...

Theo Võ Lê

Gia Đình & Xã Hội

Monday, September 28, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Đường Thanh Niên, con đường nhỏ uốn lượn giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch đã từng được gọi bằng cái tên mỹ miều, đại lộ Tình nhân. Giữa cái thời tấc đất tấ"

Write a comment