(Dân trí) - Ngày hội chùa Hương Tích, trong cơn mưa cuối xuân lất phất, con đường lên núi trầy trụa thấp thoáng tấm lưng trần nhỏ bé lọt thỏm trong gánh hàng cồng kềnh của khách hành hương…

Tựa mình vào lưng chừng dãy núi Hồng Lĩnh, chùa Hương Tích từ lâu đã là một di tích, danh thắng nổi tiếng của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Lễ hội chùa Hương Tích kéo dài đến hết mùa xuân. Đường lên núi nhiều gian nan, vách đá đứng với những bậc thang cao thấp. Riêng việc leo lên chùa đã khó khăn, chưa nói đến việc đội đồ lễ và mang vác hành lý. Thế nên đội cửu vạn ở đây có đất mưu sinh.

Chân đất, lưng trần gánh lễ cho khách, trên những bậc thang dốc trơn như láng mỡ.

Tôi bắt gặp trong đội cửu vạn một chú trai nhỏ, không kiếm được khách. Em Nguyễn Nhân Nhu, 15 tuổi. Nhu kể, nhà nghèo, có 3 anh em, em là con giữa. Em gái em năm nay mới lên lớp 5. Cả em và anh trai đều đã phải nghỉ học. Bố mẹ ở nhà chỉ làm ít ruộng ít ỏi không đủ sức nuôi con cái ăn học. Em thương bố mẹ vất vả, lại biết phận nghèo nên chẳng bao giờ đòi hỏi.

Cách đây mấy năm, khi khu di tích Hương Tích được quan tâm đầu tư nhiều hơn và trở thành một khu di tích lớn, thu hút nhiều du khách, nhiều thanh niên địa phương đã tự tạo cho mình một nghề mới: nghề cửu vạn gánh thuê đồ lên núi.

Cách đây 2 năm, khi mới 13 tuổi, em cũng tham gia vào hội cửu vạn này kiếm thêm tiền phụ cha mẹ. Sáng đi học, chiều đi gánh thuê, tất nhiên giờ thì em gánh thuê cả ngày vì đã nghỉ học rồi. Em hồn nhiên khoe: “Thế là em đã có thâm niên 2 năm rồi anh ạ”. Tôi ngước mắt nhìn lên ngọn núi xa xa, chỉ thấy mây mù vây trắng phía lưng chừng núi mà ớn lạnh. Không biết với đôi đòn xóc trên vai, con đường chạy sâu vào dãy Hương Sơn kia rồi sẽ đưa tuổi thơ của em đến đâu.

Em kể, ngày mới vào nghề em chỉ gánh được 20kg. Lúc đầu, cả bàn chân và vai của em đều tứa máu. Lưng của em như oằn xuống bởi gánh đồ lễ của khách. Những đoạn đi đường bằng còn đỡ chứ những đoạn vách đứng như từ miếu Cô lên miếu Cậu rồi lên chùa chính thì cực vô cùng. Những đoạn ấy, nếu không khéo và tập trung chỉ cần trượt chân ngã vật ra sau là rơi thẳng xuống vách núi hàng trăm mét. Đến bây giờ, sau 2 năm “hành nghề”, em đã gánh tăng lên được 30kg. Những đoạn đường hiểm trở, em cũng đã quen dần và có cách leo riêng của mình.

Để chuẩn bị cho công việc “cửu vạn” trong một ngày, em phải dậy từ 5h sáng trong cái lạnh buốt giá của vùng núi Hương Sơn, lỉnh kỉnh buộc đồ nghề vào chiếc xe đạp rồi đạp xe đến chân núi đợi. Tranh được khách đã là một may mắn vì đa số khách không muốn thuê một cửu vạn nhỏ thó như em. Có chăng là các bà các cô thấy thương cảm với thằng bé loắt choắt thì thuê gánh một ít đồ lễ.

Có những ngày, em gánh được 2 lượt, nghĩa là 12km đường núi dốc đứng. Những hôm như thế em cũng kiếm được gần 2 trăm nghìn. Dù vậy, buổi trưa ở lại đợi khách, em cũng chỉ dám ăn tạm chiếc bánh mì. Khi mặt trời khuất lấp phía sau dãy núi, sương mù đổ ập xuống những thung lũng, em lại buộc đồ vào chiếc xe đạp cũ mèm trở về nhà sau một ngày lao động mệt nhọc.

Ngày nào kiếm được tiền, em đều mang về cho mẹ. Em tâm sự: “Em gái em năm nay học lớp 5, em sẽ tranh thủ mùa lễ này kiếm tiền để nó không phải nghỉ học như em nữa”.

Cậu bé Đặng Nhân Nhu không dám ước mơ điều gì cho riêng mình.

Tôi hỏi sau mùa lễ này em sẽ làm gì, em có ước mơ gì không, dẫu chỉ là ước mơ thôi? Em nhìn tôi, một cái nhìn lặng và trầm buồn rồi buột miệng: “Em không có ước mơ”. Nói rồi em chạy ào ra chuyến xe đang cập bến như chạy trốn khỏi những câu hỏi của tôi. Tôi chỉ còn kịp nhìn thấy bóng em mất hút vào giữa đám người.

Không biết sau mùa lễ này, em có còn làm cửu vạn ở Hương Tích tự nữa không, khi dự án cáp treo chùa Hương Tích sẽ được chính thức đưa vào hoạt động trong mùa lễ năm sau?!

Thế Cường-DanTri

Monday, September 28, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Nhóc cửu vạn 15 tuổi và cuộc sống không ước mơ"

Write a comment