“...Chồng tôi mắc nghiện ma túy hơn 10 năm nay, đã đi cai ở trung tâm. Tuy nhiên, khi trở về nhà, chồng tôi lại tái nghiện. Suốt 10 năm nay, tôi rất vất vả và khổ sở về những điều do chồng đã gây nên. Nhiều lần tôi muốn dứt áo ra đi, nhưng vì 2 đứa con còn bé nên tôi đành phải chịu đựng bao đắng cay, nhục nhã để nuôi dạy con nên người..."

Lá đơn kêu cứu của một phụ nữ

“...Chồng tôi mắc nghiện ma túy hơn 10 năm nay, đã đi cai ở trung tâm. Tuy nhiên, khi trở về nhà, chồng tôi lại tái nghiện. Suốt 10 năm nay, tôi rất vất vả và khổ sở về những điều do chồng đã gây nên.

Nhiều lần tôi muốn dứt áo ra đi, nhưng vì 2 đứa con còn bé nên tôi đành phải chịu đựng bao đắng cay, nhục nhã để nuôi dạy con nên người...

Hàng ngày, tôi phải đi làm từ sáng đến tối kiếm tiền nuôi 2 con ăn học. Nhưng tôi cũng không được yên ổn làm ăn bởi hầu như ngày nào cũng bị chồng chửi, đánh đập... Giờ đây tôi rất mệt mỏi, vì vậy tôi làm đơn này kính mong chính quyền và ban công an xã giúp đỡ, thương lấy mẹ con chúng tôi...Nếu không cứ như thế này thì mẹ con tôi chết mất vì có một người chồng vô lương tâm này”

Đó là nội dung lá đơn kêu cứu của chị Nguyễn Thị A. trú tại một xã ở huyện Thanh Trì gửi tới chính quyền và Ban công an xã đề nghị đưa chồng chị đi cai nghiện để mẹ con chị được “đỡ khổ” trước mắt...

Một cán bộ của xã này cho biết, chị A. đã nhiều lần đến gặp người phụ trách Hội Phụ nữ địa phương tâm sự, giãi bày nỗi cơ cực của người vợ khi có chồng bị mắc nghiện ma túy. Không chỉ cam chịu nỗi khổ về việc tài sản trong gia đình bị chồng mang đi bán, chị A. còn luôn lo sợ cho sức khỏe của mình bởi chồng chị tiêm chích ma túy.

Mà con đường lây nhiễm HIV/AIDS qua tiêm chích ma túy là đương nhiên. Để phòng ngừa, chị A. đã chủ động đề nghị chồng sử dụng bao cao su trong quan hệ vợ chồng nhưng chồng chị không chịu và còn chửi mắng thậm tệ, cho rằng chị đã có “người khác”, viện cớ đó để lảng tránh tình cảm vợ chồng.

Nhiều lần như vậy, cùng với những trận đòn của chồng đã khiến chị A. mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần. Chị A. đã làm đơn tới chính quyền xã đề nghị giúp đỡ, giải thoát nỗi khổ bằng việc đưa chồng chị đi cai nghiện ma túy.

Nhưng chồng chị A. mới đi cai nghiện ở trung tâm về, theo qui định hiện hành, nếu có tái nghiện thì sau 2 năm người nghiện mới được đưa đi cai nghiện bắt buộc. Muốn đi cai nghiện tự nguyện, gia đình phải tự trang trải về kinh phí.

Với hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình chị A. không thể lo được. Do vậy, những người có trách nhiệm ở thôn, xã, cấp hội phụ nữ địa phương cũng chỉ còn cách động viên chị A. gắng vượt qua ...

Giải pháp nào cho người vợ có chồng nghiện!?

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó trưởng Ban Công an xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì cho biết, Ban Công an xã Vĩnh Quỳnh cũng nhận được 2 lá đơn “kêu cứu” tương tự như trường hợp chị Nguyễn Thị A.

Một trong 2 lá đơn đã được chính quyền xã giải quyết bằng việc cho người chồng đi cai nghiện ở trung tâm theo đúng quy định. Còn một trường hợp thì chưa thể giải quyết được, bởi người chồng mới cai nghiện về được hơn 1 năm.

Về trường hợp này, những tình nguyện viên làm công tác xã hội của xã đã tới gia đình, lựa cách khuyên người chồng đi xét nghiệm máu để phòng căn bệnh HIV/AIDS... Tuy nhiên, người chồng này cứ khăng khăng cho rằng anh ta chẳng làm sao.

Còn người vợ trong thời gian chờ người chồng có “đủ” thời gian sau 2 năm tái nghiện mới được đưa đi trung tâm cai nghiện bắt buộc, đành cam chịu sống trong nỗi sợ hãi thường trực nguy cơ lây nhiễm cao với căn bệnh thế kỷ qua người chồng...

Theo bà Đỗ Thị Với - Phó trưởng thôn Quỳnh Đô đồng thời cũng tham gia công tác hội phụ nữ, tình nguyện viên xã hội ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp làm công tác xã hội ở các quận, huyện khác, địa phương khác, bà

Với được biết có nhiều nỗi khổ của người vợ khi chồng bị mắc nghiện ma túy. Những người phụ nữ này lo sợ nhất một điều: Có thể bị lây nhiễm HIV/AIDS từ chồng lúc nào không biết. Đến lúc đó thì họ không còn sức lực để chăm sóc, nuôi dạy con, chưa kể đến nguy cơ truyền bệnh cho con...

Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm căn bệnh HIV/AIDS từ gia đình nói riêng và trong cộng đồng nói chung, theo kiến nghị của các cấp cơ sở, các đối tượng mắc nghiện ở địa phương có trong danh sách quản lý phải được kiểm tra, xét nghiệm máu theo định kỳ, ít nhất là 3 tháng/lần.

Nếu người nghiện không tự giác đi xét nghiệm máu, phải có biện pháp cưỡng chế. Kết quả xét nghiệm sẽ là căn cứ để người thân và bản thân người bệnh bắt buộc phải thực hiện biện pháp, bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Đồng thời người thân trong gia đình cũng thấy có trách nhiệm chia sẻ, động viên người bệnh lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Ngoài ra, mặc dù theo quy định đã ban hành, sau 2 năm tái nghiện, người nghiện mới được đưa đi trung tâm cai nghiện bắt buộc; nhưng người nghiện ma túy phải được coi là bệnh và đã tái phát bệnh thì cần phải được chữa trị ngay. Nếu cứ chờ "đủ" thời gian mới được tham đưa đi chữa trị thì e rằng đã muộn...

Sưu tầm

Sunday, September 27, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Khi chồng nghiện ma túy"

Write a comment