"Quên” học bài, “quên’ làm bài tập, thậm chí cả cả buổi học cũng nằm trong phạm vi “quên” của teen.

Đó là tình trạng chung của nhiều lớp học thời điểm "hậu Tết".


(Ảnh minh họa)

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Đó là tâm lý chung của những teen mê chơi hơn mê học. “Học hành cả năm rồi, ra Tết, phải giải lao giải trí tí chứ, trời đẹp thế này mà cắm cúi học chỉ có nước... hóa rồ”, T.Tùng, một teenboy THPT Thái Phiên giải thích cho cái việc đi học mà như... đi chơi của mình.

Chương trình 12 năm nay được teen la làng về độ khủng, vậy mà “hành trang” đến lớp tuần này của anh chàng chỉ vỏn vẹn 2 cuốn tập và truyện tranh. “Mang lên cho nhiều rồi cũng có học được bao nhiêu đâu, năm nay thầy cô trường tớ làm gắt quá, không mở sòng trong lớp được, chả có gì chơi. Chán!”.

Những tưởng Tùng chỉ là thành phần cá biệt, nhưng lớp của Tùng cũng không ngoại lệ. Tùng kể: “Bọn nó tụm năm tụm ba tám, không tập trung học nên thầy cô chán, không dạy nổi, thế là được chơi nguyên buổi. Kệ, mới đầu năm, đã điểm chác gì đâu mà sợ”.

Ở một số trường không kiểm tra gắt gao, các casino di động trong lớp tha hồ hoạt động. Xì dzách, bài cào...là những món mà teenboy chuộng nhất vì nhanh gọn, dễ chơi và ít bị phát hiện. Thêm vào đó, túi tiền lì xì no đủ sau Tết là điều kiện để các chàng thoải mái vung tay.

Không thua các teenboy, các cô nương cũng lập hội… trốn học, mà lý do phổ biến nhất vẫn là... đi xem bói. “Đứa nào cũng rỉ tai nhau: thầy đó hay, bói trúng phóc, đứa này chỉ đứa kia, thế là lớp tớ phân nửa bọn con gái... cúp học, rủ nhau kéo đến nhà thầy”.

Tháng ăn chơi = tháng rơi rớt kiến thức

Trước Tết, thầy cô giao cho một đống bài tập, hẹn đầu năm sẽ kiểm tra. Thế nhưng, “vui xuân” riết, nhiều teen quên bẵng mất nhiệm vụ. Thêm vào đó, gặp lại nhau sau... 10 ngày nghỉ Tết, có quá trời chuyện để buôn nên teen lơ đãng bài vở trên lớp cũng là điều dễ hiểu. “Ngồi trong giờ Toán, bài thì khó mà cứ một tẹo đứa này khoèo, đứa kia gửi giấy, riết rồi không tập trung nổi. Bây giờ tớ mù tịt với mớ bài tập này, chẳng biết giải theo hướng nào cho ổn nữa”, Thanh Hương, teengirl 11 THPT N.H.H tâm sự.

Với anh chàng T.Vũ (11 T.La) thì những buổi học sau Tết cứ là cực hình. Vốn chăm chỉ nên anh chàng thanh toán hết bài tập từ trước Tết, những ngày đi học đầu năm, giờ giải lao 5 phút nào anh chàng cũng lật đật chạy lên bảng thông báo: “Ai mượn tập Toán, Lý... của tớ thì trả hộ, tới giờ học rồi!”. Vũ phân trần: “Không cho mượn thì mang tiếng keo với bạn bè, nhưng cho mượn rồi chúng nó giấu tịt vở bài tập của tớ để chép lẫn nhau, sát giờ học rồi vẫn còn bở hơi tai đi tìm”.

Còn vương vấn các kiểu hội xuân nên cô nàng T.My “quên” luôn việc làm bài tập. Buổi học đầu tiên, cô giáo cho kiểm tra vở, cô bạn chưa kịp thở phào vì đã kịp chép hết bài của đứa bạn ngồi cạnh thì đã méo mặt vì cô gọi lên bảng làm bài. Vở bài tập thì đầy đủ, nhưng cô nàng có nhớ chữ nào đâu vì chỉ chép cho qua chuyện. Hậu quả là đầu năm, T.My đã kịp bổ sung vào bảng điểm của mình một quả trứng to tướng.

Đừng để cả túi kiến thức lẫn túi tiền đều rỗng tuếch

Mới đi học được ba hôm mà Q.Tuấn (11 P.V.Đ) đã kịp “nướng” hết tiền lì xì của mình vào những sòng bài trên lớp. Ban đầu cứ nghi chơi cho vui, toàn anh em “cùng hội cùng thuyền” với nhau, nhưng dần dần, mức ăn thua tăng từ 1-2k/ván lên 10-20k/ván thì túi tiền của Tuấn cũng vơi đi nhanh chóng. Cay cú ăn thua, nhóm bạn của Tuấn suýt nữa là choảng nhau. Kết quả là cả “sòng” đều rủ nhau uống trà xuân ở... phòng giám thị.

Nhóm bạn nữ lớp của T.Tùng trên thì đen đủi hơn, hai buổi liền cúp học tập thể để đi... xem đường tình duyên của các nàng đã đến tai cô chủ nhiệm. Và cả nhóm cùng lãnh giấy mời phụ huynh.

Mải vui xuân, tâm lý ‘ăn chơi cho hết tháng giêng” đã khiến nhiều teen bỏ rơi kiến thức, quên lãng chuyện học hành. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chưa hết tháng giêng thì cũng đã bước vào thi giữa kì 2, lúc đó teen phải chạy hụt hơi mới mong “ôm” được kiến thức cũ, chiếc ví chật ních tiền lì xì cũng đã... bốc hơi tự bao giờ. Vui xuân kiểu như thế, không nên tí nào, teen nhỉ!

Theo Mực Tím

Monday, September 28, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Tháng “chơi”, tháng teen “rơi” kiến thức"

Write a comment