(Dân trí) - Những ngày cuối năm, bên cạnh việc ôn thi học kì, sinh viên còn tranh thủ làm thêm kiếm tiền. Tết là dịp mà sinh viên có nhiều cơ hội việc làm nhất trong năm.

PG dành cho các bạn trẻ năng động

Sau hai vòng thi tuyển từ hồ sơ, đến phỏng vấn giao tiếp, ngoại hình, Thu Hằng, SV ĐH KH XH NV được nhận vào làm PG cho một công ty mỹ phẩm. Với mức thu nhập hơn 200 nghìn một buổi là công việc khá mơ ước đối với Hằng cũng như bao bạn sinh viên.

Vừa học xong ở trường buổi sáng, Hằng lại chạy hớt hải đến các siêu thị để làm chương trình. Công việc nhìn có vẻ đơn giản nhưng Hằng khá mệt và mất nhiều thời gian. Hằng tâm sự: “Hôm nào chương trình ở siêu thị gần thì không sao, có hôm làm ở tận Cầu Giấy, Tây Hồ xa nhưng cũng phải cố gắng. Bây giờ sinh viên mà kiếm được việc như thế này không phải dễ”.

Hằng tính sơ sơ đến 27 Tết thì mình cũng có gần hai triệu sắm sửa Tết và mang về phụ với gia đình. Hằng chia sẻ: “Mình làm tốt một chương trình, lần sau có vụ gì họ lại gọi nên cần phải nghiêm túc trong công việc”.

Còn Quỳnh Anh, ĐH Công Đòan lại phải chạy sô một lúc hai nơi. Quỳnh Anh vừa bán hàng mỹ phẩm ở siêu thị, lại làm MC cho một công ty quảng cáo. Những hôm có chương trình, Quỳnh Anh mệt lả cả người. Mặc dù vất vả vậy nhưng Quỳnh Anh vẫn thấy vui: “Cuối năm, đứa nào cũng đói. Mình có việc là tốt rồi, đành phải cố thôi, bỏ chỗ này tiếc chỗ kia. Sinh viên nữ nghề PG được gọi là cao qúy vì mình phải có ngoại hình và kĩ năng giao tiếp”.

Đang trong bộ đồng phục của nhãn hàng kem đáng răng, Ngọc Lâm (ĐH Xây dựng) cho biết: “Ngày nào cũng phải đứng mấy tiếng đồng hồ, mỏi rã rời chân tay. Tối nào 9, 10h mới được nghỉ”.

Phát tờ rơi

Minh Tú, SV ĐH Thủy lợi chiều nào cũng trong bộ đồng phục đi phát tờ rơi cho siêu thị điện thoại di động. Tú tâm sự: “Mỗi ngày đi bộ khoảng chục km ấy chứ, hết nhà này sang nhà kia, công việc nhìn ai cũng bảo đơn giản nhưng khi đi phát mới thấy mệt. Không phải phát tờ giấy là xong mà còn phải giới thiệu về công ty. Có người tốt thì họ để mình làm, có người cầm tờ giấy xong còn xua đuổi”.

Theo Tú, dịp Tết cũng là thời điểm các chương trình khuyến mại nhiều, công việc phát tờ rơi được tuyển dụng liên tục. Thu nhập được tính bằng số tờ mình phát ra, thường thì 100đ/tờ. Mỗi ngày Tú cũng thu nhập khoảng bảy tám chục nghìn tiền công.

Bán hàng

Vừa đi học về, Hoàng Hải (ĐH Mở HN) lại vội vàng lên Tôn Đức Thắng bán hàng quần áo. Là con trai nhưng Hải vẫn lanh lẹn và đon đả chào mời khách mua hàng. Hải còn tư vấn cho khách hàng nên lựa chọn bộ trang phục nào phù hợp với mình. Hải nói: “Tết đông khách nên ông anh họ nhờ mình ra bán hàng. Lúc đầu cũng ngại thật nhưng rồi cũng quen dần. Công việc bán hàng đến tận 9h giờ tối, ngày nào cũng thế, mệt ra phết”.

Còn Thu, SH ĐH Công đòan, năm nào cũng có cơ hội bán hàng trong hội chợ triển lãm Giảng Võ. Một lần thấy thông báo tuyển dán ở trường, Thu đi tuyển rồi được vào làm. Cứ thế năm nào công ty cũng mời đi bán hàng. Thu cho biết: “Thường thì 20 tháng chạp hội chợ mới mở nên lúc đó cũng thi xong rồi. Nhưng phải làm đến tận 30 tết mới được về nhà. Đi làm xong về khu trọ vắng tanh chỉ có mỗi mình, nhưng mà kiếm được tiền nên cũng phải cố gắng”.

Chạy quán bar

Quang Tùng, SV ĐH Bách khoa đang làm bồi bàn cho một quán bar trên đường Triệu Việt Vương chia sẻ: “Gần Tết, khách cũng đông nên mình làm không hết việc. Chủ quán tuyển nhân viên liên tục nhưng mà ít người nào làm vì vất vả mà về muộn. Bên mình đang trả hơn năm trăm một ngày làm ba ngày Tết, không biết mình có nên làm không nữa?”. Năm ngoái, Tùng cũng cố làm thêm ở quán đến tận hôm 30 Tết mới bắt xe về Nam Định.

“Nghề chạy bàn thì con trai làm đỡ mệt hơn vì phải đi lại nhiều. Chỉ cần sơ suất một tí, khách phàn nàn là bị nghỉ việc luôn. Được cái bên mình, sếp cũng thoải mái hay thưởng cho nhân viên”, Tùng kể.

Tìm việc ở đâu

Theo kinh nghiệm của đa số các bạn sinh viên, các trung tâm giới thiệu việc của hội sinh viên, đoàn thanh niên và báo là địa chỉ tin cậy dành cho các bạn tìm đến. Từ tháng 12 đã có khá nhiều công ty quảng cáo tuyển nhân viên làm thời vụ, chủ yếu là các công việc như bán hàng, tiếp thị sản phẩm tại các hội chợ, phát tờ rơi... Đây là những công việc chỉ làm trong ngắn với mức thu nhập được giới thiệu khoảng 100.000 - 200.000 đ/ngày.

Tuy nhiên để tìm được một công việc làm thêm dịp Tết không phải dễ dàng. Hải Hưng, SV ĐH Kiến Trúc được một trung tâm việc làm trên đường Nguyễn Trãi giới thiệu công việc phát quà khuyến mại. Hưng đã phải mất hai trăm tiền lệ phí nhưng công việc thì không đúng như thỏa thuận ban đầu. Chán quá, Hưng nghỉ việc và mất toi tiền đặt cọc.

Theo Hằng, Tết là thời điểm nhiều công ty tuyển dụng ngắn hạn, việc nhiều nhưng không phải ai cũng dễ dàng tìm được việc. Nếu qua các trung tâm môi giới thì cần phải cẩn thận. Để có việc làm tốt, lương cao mà không bị cắt % chủ yếu là do người quen giới thiệu và các mối quan hệ.

Duy Khánh-Dantri

Monday, September 28, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Những việc dễ “kiếm” cho sinh viên dịp Tết"

Write a comment