Khoảng thời gian từ 15 tháng chạp âm lịch trở đi là các trường ĐH, CĐ trên cả nước đã rục rịch cho sinh viên về quê ăn Tết. Đêm trước khi “về với thầy u”, nhiều nam sinh viên đã nghĩ ra đủ trò để chia tay nhau theo cái cách mà họ gọi là “thác loạn”.


Một phút bốc đồng, chút hơi men có thể khiến nhiều nam sinh viên sinh ra "tối kiến" - gần gũi mà không màng tới chuyện "bảo vệ" mình...
(Ảnh chỉ có tính minh họa)

Tôi đã thấy sởn cả da gà khi nghe cậu em họ đang học năm thứ 3 trường ĐHTL dùng từ ngữ đó để miêu tả về buổi chia tay ngày 14 âm lịch vừa rồi của nhóm bạn cùng trường với cậu. Nghe xong, có cảm giác như đã xảy ra một trận hỗn chiến hãi hùng khiến đầu rơi máu chảy. Cậu em họ cười hì hì giải thích về thứ ngôn ngữ “kì dị” mà mình đã dùng. Mấy cậu sinh viên này dùng từ “nhuốm máu” cho có vẻ giang hồ giống như những nhân vật mà họ hóa thân trên các trò game online chứ thực ra đúng là đã xảy ra một trận “hỗn chiến” nhưng mà là trên... sới bạc.

“Chiến” trên “sới bạc”

Chuyện cờ bạc đối với nam sinh viên không còn là chuyện gì mới lạ cả. Nhiều cậu sáng sáng vẫn ngoan ngoãn cắp cặp lên giảng đường nghe giảng chăm chỉ như không thể chăm chỉ hơn nhưng rời khỏi cổng trường là sà ngay vào các sới, “khát nước” không kém một con bạc thứ thiệt nào. Điều đáng nói ở đây đó là cái cách mà những sinh viên này tàn phá sức khỏe và tàn phá cả... cái ví tiền vốn không nhiều nhặn gì của chính mình thông qua cái gọi là “bữa tiệc nhuốm máu” đó.

Tám gã trai đều ở tầm tuổi 20, 21 tổ chức thành hai sới bạc ngay trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2. Trước khi chính thức vào hiệp, một thỏa thuận tếu táo được tất cả các thành viên chấp nhận tuân theo là: “Còn cái lai quần cũng... đánh” tức là đánh cho đến khi hết sạch cả tiền thì thôi, ai đen đủi không có tiền về quê thì... ráng chịu!

Không chỉ đánh bài đơn thuần, những cậu này còn kết hợp giữa hai hình thức ăn tiền và phạt rượu. Ai thua sẽ phải trả tiền cho người thắng và uống rượu theo quy định chung. Một can rượu nếp 12 lít và một đống các loại đỗ lạc, mực nướng cộng thịt chân giò luộc được tha về để quyết tâm “đốt cháy đêm” thêm phần nung nấu. Suốt cả đêm, cả nhóm sát phạt nhau. Rượu vào ừng ực như nước lã, lúc đầu còn có mồi dẫn sau thì toàn uống khan. Đánh bài, uống rượu đến mức cả nhóm người nào người nấy mụ mị cả đầu óc, nôn mửa đầy ra phòng và nằm lê lết trên cái đống dơ bẩn kinh hãi đó. Dự định sáng hôm sau sẽ đường ai nấy đi, quê ai nấy về nhưng đến khi quá ngọ mới có kẻ tỉnh giấc, uống nước rồi lại... lăn ra ngủ tiếp.


Trò đỏ đen này cũng tiêu tốn tiền của, thậm chí cả mối quan hệ tốt đẹp giữa các bạn. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Đêm “người lớn”

Cũng là liên hoan tất niên cuối năm nhưng cái cách mà nhóm bạn của K. (K50 - ĐHXD) lựa chọn cũng khiến nhiều người phải “ngả mũ bái chào” về cái sự liều đến “điếc không sợ súng”. Sau một bữa lẩu linh đình chia tay năm cũ, đón chào một năm mới, sự ngà ngà say cộng với tính bốc đồng không giới hạn đã khiến một cậu trong nhóm đột nhiên nghĩ ra “tối kiến”: Cuối năm, làm một chầu giải đen với gái bán hoa vốn sẵn như... hoa ngay ngoài đường Giải Phóng.

Chả kịp biết mình sẽ làm cái gì, K. và mấy cậu còn lại líu ríu dắt nhau đi. Sau một hồi “cò kè bớt một thêm hai”, cả bọn mỗi người đã nhanh chóng “tậu” được cho mình một em để cùng nhau đi “đến Z” mà không tên nào được “bảo vệ”.

Sau này, khi nhớ lại cái đêm “người lớn” đó, chính K cũng không hiểu tại sao mình lại có thể nhanh chóng đồng ý với “tối kiến” của anh bạn cùng nhà trọ đến như vậy dù bản thân là người rất giữ gìn và có hiểu biết về các kiến thức sức khỏe sinh sản và tình dục.

Bản thân M.H, một cựu sinh viên ĐHQLKD thì không thể quên nổi đêm chia tay trước tết cách đây 3 năm. Tối hôm đó, H. đi với một cậu bạn cùng xóm trọ để tới dự buổi tất niên với nhóm bạn đại học của cậu bạn này. Dù trước đó chưa từng biết ai nhưng chỉ sau một vài lần nâng ly là H. và những người bạn này tưởng như đã thành bạn thân của nhau từ lâu lắm. Rượu chảy như nước lã. H. và cậu bạn cùng xóm uống say đến mức không thể về nổi đành ở lại nhà người bạn đã tổ chức tiệc nhậu.

Nửa đêm, thấy nhột nhột, H. bừng tỉnh. Đầu óc lơ mơ nhưng lúc đó H. cảm nhận rất rõ một bàn tay đang lướt trên người mình. Hé mắt ra, cậu kinh hoàng phát hiện bàn tay đó là của gã bạn chủ nhà. Hắn đang cố lật người H. lên để có thể chạm vào “nơi nhạy cảm”. Lý trí mách bảo cần phải hành động để chống lại hắn nhưng thân xác rũ rượi, cái đầu nặng trịch không cất nổi mình lên khiến H. cứ mặc kệ cho gã trai bệnh hoạn kia muốn làm gì thì làm.

Thực sự là gã kia chỉ vuốt ve bề ngoài thôi chứ chưa dám làm gì quá đà nhưng những giây phút đó có lẽ không thể nào quên trong cuộc đời H. Đã có lúc, đọc những tài liệu về một số người sinh ra hoàn toàn bình thường chỉ vì một lần bị lạm dụng tình dục đồng giới đã trở thành gay thứ thiệt mà H. thực sự lo sợ cho bản thân mình. Một thời gian dài sau đó, ám ảnh bị lệch lạc giới tính khiến H gần như không thể chú tâm vào làm bất cứ việc gì. Học hành bê trễ, tinh thần suy sụp. Rất may là mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp khi trong lúc H. khó khăn nhất, anh đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ và đồng cảm của một người bạn gái trong lớp. Tình cảm của cô bạn đã “giải cứu” H. thoát khỏi tất cả những ám ảnh “chết người” mà H. đã từng trải qua. Anh tự hào vì mình vẫn là chính mình sau “cái đêm hôm ấy đêm gì”.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang

Tuổi trẻ vốn ham vui và bốc đồng. Trong không khí náo nhiệt vui vẻ của những tiệc chia tay cuối năm, nhiều sinh viên có thể nghĩ ra những trò chơi “quái đản” để tống cựu nghinh tân. Những trò vui đó có thể giúp mua vui trong chốc lát nhưng lại để lại những hậu quả khôn lường: sức khỏe tàn tạ theo những trận bài bạc, rượu chè thâu đêm suốt sáng, bệnh tật kéo theo từ những đêm mây mưa với gái bán hoa...

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: Để giữ mình trong những ngày cận Tết, không mắc vào hoặc không bị rủ rê vào những việc làm sai trái, mỗi sinh viên cần phải có ý thức tự quản. Tốt nhất là nên sớm trở về sum họp với gia đình, không nên lang thang đến tận giáp Tết mới về. Có người đến gần giao thừa mới có mặt có gia đình, bịa ra các lý do như bận việc, tầu xe trắc trở …

Chỉ có về với gia đình, tham gia tranh thủ giúp đỡ gia đình chuẩn bị Tết mới tìm thấy niềm vui, không khí đoàn tụ ấm áp. Mặt khác các trường cũng không nên buông lỏng hoàn toàn khu ký túc xá trong mấy ngày cận Tết. Khi các phòng có những sinh viên về nghỉ Tết, có khi chỉ còn lại một người tha hồ sống buông thả, rủ bạn đến chơi đàn đúm thâu đêm. Cho nên nhà trường phải tăng cường quản lý những sinh viên chưa về ăn Tết sát sao hơn ngày thường mới tránh được các tệ nạn xảy ra ngay trong trong trường.

Theo H.Anh
Phụ Nữ Net-DanTri

Monday, September 28, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Tiệc chia tay “quái đản” của nam sinh trước ngày Tết"

Write a comment