(Dân trí) - “Khe hở” mở đầu với hình ảnh một chàng thanh niên sống cô đơn, bầu bạn với một con rùa. Đặc biệt, chàng trai (Tuy) có sở thích ngắm nhìn và ve vuốt những bộ váy áo phụ nữ chuyển đến một phòng trọ tồi tàn...

Đó cũng là phần mở đầu bộ phim ngắn gây xôn xao của nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Mỹ Dung. Dù đây là bộ phim đầu tiên và là sự trải nghiệm bước đầu trên con đường điện ảnh của nữ tác giả thế hệ 8x này, nhưng Khe hở đã đem lại cho cô giải thưởng Cánh diều Bạc năm 2008.

Phần tiếp của bộ phim tiếp tục với nội dung rằng: Khi chuyển đến một phòng trọ tồi tàn, qua một “Khe hở”, anh nhìn thấy cô gái (Lam) cùng đứa con tắm trong một chiếc chậu mầu đỏ rực trong căn phòng bên. Sau rất nhiều hồ nghi, khó chịu và hiểu lầm khi quan sát nhau từ Khe hở một ngày bỗng nhiên họ thấy gần nhau hơn dù không nói một lời. Chàng trai khao khát trở thành một phụ nữ. Kết thúc bộ phim là niềm vui sướng trong ánh mắt long lanh của chàng trai khi được "trở thành" phụ nữ và hình ảnh con rùa lật mình lại và bước đi tiếp…


"Tôi không cố ý đem vấn đề giới tính ra làm “mục đích câu khách” bởi vì ngay mỗi góc máy của tôi không hàm chứa sự phô diễn,
chỉ có tâm lý nhân vật, nỗi cô đơn, niềm khát khao là đọng lại..."

Bên bờ sông Hàn những ngày cuối năm, gặp cô đạo diễn trẻ Mỹ Dung. Khá bất ngờ với một cô gái còn trẻ và tự tin, nụ cười ấm áp cùng với lúm đồng tiền duyên của mình. Chúng tôi có cuộc trò chuyện khá thú vị với Mỹ Dung.

Mỹ Dung tốt nghiệp khóa học chuyên sâu về Biên kịch, lý luận phê bình điện ảnh tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (K3), do Quỹ Ford tài trợ thuộc loại giỏi.

“Khe Hở” là kịch bản phim ngắn đã được biên kịch trẻ Mỹ Dung ấp ủ thực hiện từ tháng 3/2008, nhưng cho đến tận tháng 9 mới được bấm máy, sau khi nhận học bổng của Dự án điện ảnh (do Quỹ Ford tài trợ).

"Khe Hở" đã đạt giải cánh diều Bạc 2008 cho thể loại phim ngắn của Hội Điện ảnh Việt Nam.

“Khe hở” đã tạo nên một tiếng vang với dư luận và những người yêu điện ảnh... Mỹ Dung tự hào về điều đó ?

Khe hở từ khi còn là kịch bản thì đã được coi là một kịch bản khó. Nhưng được nhiều thầy cô, bạn bè cùng với sự đam mê của những tháng, ngày vất vả của đoàn làm phim để tạo nên một "khe hở" đúng như những gì đã dự định. Đặc biệt, tôi được thầy Dean Wilson (tư vấn dự án điện ảnh Quỹ Ford), thầy Trần Hinh (chủ nhiệm dự án), đạo diễn Phan Đăng Di, Nguyễn Quang Dũng… tạo mọi điều kiện về tài chính, con người và cả tinh thần trong suốt quá trình làm phim.

Bộ phim được đánh giá khá thành công dù còn nhiều lỗi nhưng đã gây xôn xao vì tôi chỉ là một đạo diễn tay ngang lần đầu làm phim và lần đầu đạt một giải thưởng lớn như vậy.

Còn tự hào ư? Mình rất tự hào không chỉ một phần ở giải thưởng mà là tự hào khi mình đã vượt qua nỗi sợ hãi của kẻ lần đầu làm phim, vượt qua áp lực của một đạo diễn tay ngang (cười) và đa phần người xem đều đánh giá bất ngờ về cái kết của bộ phim.

Tôi cũng muốn nói đến trong bộ phim là sự cô đơn của một bộ phận lớp trẻ: có khi sự cô đơn của người này là khát vọng của người kia.


“Tạo” mưa trong phim “Khe hở”

Là một đạo diễn trẻ với bộ phim đầu tay. Tại sao chị lại lại chọn một thể loại được coi là “khó nhằn”: phim ngắn?

Phim ngắn được xem một loại phim thể nghiệm, điều đó tạo cho mình có "đất" để tha hồ sáng tạo, thể hiện cái tôi nghệ thuật. Ngoài ra, qui mô không lớn, không bị áp lực về tài chính. Nhưng lại gặp nhiều áp lực để có một ý tưởng độc đáo, nội dung và cách thể hiện mới lạ. Nhất là trong Khe hở, tôi không sử dụng lời thoại mà ngôn ngữ chuyển tải tất cả là hình ảnh.

Đa phần những đạo diễn trẻ như chúng tôi, con đường đến với điện ảnh đều bắt đầu từ những bộ phim ngắn, để rồi nuôi tiếp những ước mơ dài hơi hơn.

Nội dung của bộ phim là câu chuyện khao khát của một chàng trai được trở thành phụ nữ hay còn gọi đó là lệch lạc về giới tính. Đó là một đề tài khá hot?

Cũng không hẳn như vậy. Khe hở là bộ phim được xem là "nặng" về tâm lí, như điều tôi đã nói, đó là sự ám ảnh về một giấc mơ được sống đúng là mình, không là ai khác. Tôi không cố ý đem vấn đề giới tính ra làm “mục đích câu khách” bởi vì ngay mỗi góc máy của tôi không hàm chứa sự phô diễn, chỉ có tâm lý nhân vật, nỗi cô đơn, niềm khát khao là đọng lại.

Tôi không cổ xúy cho lối sống đua đòi hay "tự ám ảnh" với một số bạn trẻ bây giờ, nhưng điều mà ngay bản thân chúng ta phải công nhận là có một “giới tính thứ 3” đang tồn tại xung quanh chúng ta, họ lẩn khuất ở đâu đó và họ đang cần được chia sẻ như một người bình thường. Điều tôi thể hiện là tâm lý, là khao khát chính đáng của những con người, những con người có số phận.


Đạo diễn Mỹ Dung (ngoài cùng, trái) nhận giải thưởng Cánh diều Bạc năm 2008 dành cho bộ phim "Khe hở"

Khi bắt tay vào làm bộ phim "Khe hở", đoàn làm phim có gặp nhiều khó khăn không khi chị là một đạo diễn còn rất trẻ và một ê-kip cũng trẻ?

Vâng, cả ê-kíp làm phim chúng tôi đều là tay ngang đến với điện ảnh. Từ kịch bản đến khi bộ phim hoàn thành là một chặng đường dài.

Bối cảnh đã được chúng tôi chọn để bắt đầu phân cảnh thì sau đó đã trở thành một bãi đất trống cho một dự án xây dựng. Kinh phí để chúng tôi thực hiện cũng rất hạn chế nhưng cả ê-kíp cũng khắc phục được.

Ê -kíp neo người, bởi thế mà ngoài việc chuyên môn hóa cụ thể, thì mỗi người cũng kiêm nhiều nhiệm vụ, chức danh. Nhà sản xuất kiêm luôn chân xe ôm cho diễn viên, đạo diễn kiêm luôn thiết kế mỹ thuật, phục vụ hiện trường kiêm sai vặt, chụp ảnh quay phim tư liệu, chăm sóc diễn viên… Nhưng đó là một ê-kíp rất tuyệt, ai cũng tự nguyện hết mình để tạo điều kiện tất cả cho đoàn làm phim. Tôi bắt đầu thấy thực sự yên tâm làm việc khi nhận ra rằng họ không chỉ là những cộng sự đắc lực mà còn là những người bạn thật sự.

Trong ê-kíp đa phần là đàn ông, thế nên trải qua mấy tháng cũng làm phim với nhau, họ dường như "quên" mất tôi là phụ nữ.(Cười). Lúc đó, thi thoảng thèm được trang điểm, ăn mặc đẹp, một mình bắt xe ôm lên phố uống cà phê rồi lại bắt xe ôm về.

Ô Châu-DanTri

Monday, September 28, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "“Khe hở” của một cô gái trẻ"

Write a comment