“Đối với người Việt cái tên Guggenheim còn có một ý nghĩa khác. TS Hans Guggenheim, một người của dòng họ này đang sống tại Boston, đã tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội 42 bức tranh của danh họa người Tây Ban Nha, Francisco Goya (1746-1828). Đây là một phần trong bộ sưu tập cá nhân của ông mang tựa đề “Thảm họa chiến tranh”. Bộ tranh này có lẽ là món quà tặng lớn nhất của một người nước ngoài tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội”.

Cái tên Guggenheim đã trở nên quen thuộc với du khách đến Hoa Kỳ, và những người yêu thích nghệ thuật hội họa vì đó là tên của Bảo tàng Mỹ thuật tại New York và một số nơi khác trên thế giới. Những bảo tàng này đều do dòng họ Guggenheim sáng lập.

Đối với người Việt cái tên Guggenheim còn có một ý nghĩa khác. TS Hans Guggenheim, một người của dòng họ này đang sống tại Boston, đã tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội 42 bức tranh của danh họa người Tây Ban Nha, Francisco Goya (1746-1828). Đây là một phần trong bộ sưu tập cá nhân của ông mang tựa đề “Thảm họa chiến tranh”. Bộ tranh này có lẽ là món quà tặng lớn nhất của một người nước ngoài tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Với sáng kiến và sự phố hợp của Tổ chức Cộng tác Nghệ thuật Đông Dương, tranh của Goya đã được chuyển về Hà Nội và sẽ ra mắt khán giả thủ đô vào ngày 3 tháng 10 năm 2008. Đại sứ quán Hoa Kỳ và Đại sứ quán Tây Ban Nha cùng phối hợp xuất bản ca-ta-lô và những bài viết của TS Hans Guggenheim và các học giả khác.

Tiến sĩ Hans Guggenheim. Ảnh: tác giả cung cấp



Được biết ông sắp về Hà Nội tổ chức triển lãm tranh của Goya vào đầu tháng 10, tôi đến thăm ông tại căn nhà trong khu phố cổ theo kiến trúc của thời Victoria tại phía Nam của thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Đón tiếp tôi trong ngôi nhà cổ kính, ngập giữa những kỷ vật của các nền văn hóa cổ kim, đông tây, từ Tây tạng đến Mali, từ Trung quốc đến Guatemala, là một cụ già nhanh nhẹn, trẻ trung so với tuổi 84. Ông đang gấp rút cùng một người bạn chuẩn bị chương trình hướng dẫn cho khán giả bằng 10 bức ảnh đặc biệt, ghép nối tranh của Goya với hội họa, thơ ca, tư tưởng triết học của Phật giáo Đông phương. Ông cho tôi xem một trong những bức ảnh đó: Phía dưới là tranh của Goya mô tả một đám đông đang chôn cất một người phụ nữ đẹp. Xung quanh cô tỏa ra một vầng hào quang chói lòa khiến cho đám đông tay cuốc, tay xẻng không khỏi cảm thấy khó chịu. Cô gái là biểu tượng của chân lý, đạo luật và hiến pháp đã bị chế độ độc tài Fernando VII chôn vùi. Phía trên bức ảnh của Goya là bức họa của chính Hans Guggenheim, vẽ vầng hào quang của Niết Bàn, nơi những gì đẹp nhất tồn tại vĩnh viễn. Khán giả có thể suy luận rằng chân lý, đạo luật sẽ không bao giờ mất, nó sẽ mãi tỏa sáng, tồn tại vĩnh hằng, vượt qua không gian, thời gian và xuyên qua các nền văn hóa.

Ông làm 10 bức ảnh như vậy với ý định giới thiệu một cách tiếp cận với tranh của Goya, mối liên hệ của cuộc chiến tại Tây Ban Nha thế kỷ 18 và chiến tranh tại Việt Nam thế kỷ 20. Theo cách chuẩn bị của ông cho triển lãm này, có thể nói, thưởng thức hội họa thông thường đã rất khó, tranh của Goya lại càng khó hơn vì chúng đòi hỏi người xem phải có một trình độ, tri thức nhất định về văn hóa, triết học, tôn giáo, lịch sử thế giới và các mối quan hệ toàn cầu. Tuy nhiên, nếu hướng dẫn một lối tiếp cận, đem đến cho người xem một cách cảm nhận, đánh giá, thì các tác phẩm của Goya sẽ mang nhiều ý nghĩa và giá trị lớn lao đối với khán giả người Việt.

Khi bàn về hội họa và giáo dục, đôi mắt ông ngời sáng, ông say sưa như trong ông cả hai con người cùng một lúc lên tiếng: giáo sư đại học và người nghệ sỹ. Hans Guggenheim giành học vị Tiến sỹ về nhân học tại Đại học New York và dạy ở Đại học Harvard và MIT. Ông đã từng mở trường đào tạo mỹ thuật tại châu Phi, Tây tạng, Guatêmala. Theo ông, hội họa có ngôn ngữ riêng của mình để con người có thể diễn tả mọi cung bậc tình cảm, buồn vui, hạnh phúc, khổ đau, để diễn tả chính mình và thế giới xung quanh mình. Dạy hội họa cho trẻ em tức là dạy chúng một ngôn ngữ mới. Tìm hiểu nghệ thuật hội họa trên thế giới chính là học các ngôn ngữ khác nhau để hiểu rõ bản sắc cá nhân mình và từ đó có thể hiểu rõ mọi người.

Được hỏi vì sao ông tặng một gia tài không nhỏ cho Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, ông cười rất hóm hỉnh và bảo: “Nhiều người nói tôi điên vì tôi lại đem tặng chừng đó bức tranh, nhưng tôi nghĩ có lẽ để chúng lên tiếng, nói chuyện với mọi người thì tốt hơn là im lặng trong căn nhà tôi.” Nói rồi, ông chìm trong suy tư cá nhân về những người Việt ông đã gặp, những người chịu đựng di chứng của chiến tranh mà ông có dịp làm quen trong những lần đến Việt Nam cùng đoàn các bác sỹ, đến thăm bệnh viện và chữa trị cho nạn nhân chiến tranh. “Những hình ảnh đó cứ đọng mãi trong tôi, tôi không bao giờ quên, nên tôi nghĩ đến mối liên hệ của các tác phẩm của Goya và cuộc chiến tranh ở Việt Nam bởi vì “Thảm họa chiến tranh” của Goya không chỉ nói về chiến tranh mà còn nói về hậu quả của nó”, ông nói.

Hans Guggenheim và tác giả. Ảnh: tác giả cung cấp

Ở tuổi 84, ông còn nhiều dự định về hội họa và giáo dục. Ông mở chiếc máy tính xách tay cho tôi biết những dự án ông đã và đang làm. Ông không có ý định mở trường dạy vẽ như ông đã làm ở châu Phi, nhưng ông rất muốn làm một việc gì đó cho trẻ em Việt Nam, ví dụ như xuất bản những cuốn sách về lịch sử hội họa, hoặc nói chuyện với học sinh, sinh viên về môn học này. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam cần chú ý phương pháp dạy và học làm sao học sinh biết cách đặt câu hỏi, biết cách diễn giải, suy luận, liên kết các sự kiện, vấn đề liên quan đến nhau…

Câu chuyện cứ thế chắc còn kéo dài nếu ông không bận tiếp tục chuẩn bị cho chuyến bay trong tuần tới và buổi ra mắt các tác phẩm của danh họa Goya. Tôi hỏi ông một câu “Bác muốn cháu gọi tên hay gọi là Tiến sỹ Guggenheim” Ông nheo mắt cười và bảo “Quên cái chữ Tiến sỹ đi, cứ gọi tôi là Hans.”

Boston, tháng 9/2008

Minh Phương-Vietimes

Monday, September 28, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Danh họa Goya và nỗi đau chiến tranh ở Việt Nam"

Write a comment