Hanoinet - Đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, rất nhiều người đã rơi nước mắt khi thấy các cô bảo mẫu chăm sóc, âu yếm những đứa trẻ bất hạnh ấy như con của mình.

Vừa sinh ra, thậm chí ngay khi còn nằm trong bụng mẹ, những đứa trẻ nhiễm HIV đã bị tuyên án tử hình. Chúng vô tội nhưng phải trả giá cho những sai lầm, sa ngã của cha mẹ.

Bị bỏ rơi hoặc mồ côi ngay khi vừa sinh ra, bị người đời xa lánh, cuộc đời những đứa trẻ bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ tưởng như đã khép lại. Nhưng tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình II, TP.HCM, những đứa trẻ ấy đã được đón nhận, được cho một mái ấm và được yêu thương bởi những người mẹ người cha thứ hai có tấm lòng nhân ái.

Đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, rất nhiều người đã rơi nước mắt khi thấy các cô bảo mẫu chăm sóc, âu yếm những đứa trẻ bất hạnh ấy như con của mình. Và để có thể đến được với các em, những nhân viên ở đây phải vượt qua biết bao khó khăn thậm chí phải hi sinh rất nhiều kể cả hạnh phúc riêng của mình…

Những nguy cơ có thật

Điều khó khăn đầu tiên đòi hỏi những nhân viên bảo trợ ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình II phải vượt qua đó là cái nhìn kỳ thị của người đời. Và búa rìu dư luận nhiều khi còn làm đau hơn nhiều lần nỗi đau thể xác.
Ảnh minh họa

Những đứa trẻ sớm phải chịu bất hạnh.

Chị Trần Thị Mỹ Lan tâm sự: "Mấy năm trước đây, sự kỳ thị của mọi người với những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS còn rất nặng nề. Họ cứ nghĩ chỉ cần tiếp xúc với bệnh nhân là sẽ bị lây nhiễm. Lúc trước, có lần khi nghe mình nói làm ở trung tâm, hai người kia đã thì thầm với nhau rằng chắc những người chăm sóc cũng là người mắc bệnh nên thấy tủi thân và hụt hẫng ghê gớm. Chính vì thế mà ngại không dám nói với ai là mình làm ở đâu".
Anh Bùi Huy Vũ, y sĩ của trung tâm cũng kể khi mới vào làm ở đây, anh đã không dám cho gia đình biết nơi làm việc của mình. Và hàng ngày, anh phải từng bước tuyên truyền để gia đình bớt kỳ thị với những người mắc bệnh HIV/AIDS. Đến khi tâm lý mọi người ổn định anh mới dám nói. Cũng may là gia đình hiểu và thông cảm. Giờ đây, với nhiều người anh vẫn không dám nói vì ngại cái nhìn của họ.
Nhưng thời gian sẽ khiến người đời thay đổi quan niệm và sẽ có cái nhìn đúng đắn về những người tình nguyện làm công việc chăm sóc cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Chỉ có nguy cơ lây nhiễm là có thật và luôn tiềm ẩn khi mà hàng ngày, các cô bảo mẫu phải trực tiếp chăm sóc, bế ẵm, nhất là với những bé ở giai đoạn cuối, bị mắc bệnh ngoài da, nên việc phải tiếp xúc với máu mủ là chuyện thường. Nếu bàn tay dính máu của các cô vô tình chạm vào vết xước trên cơ thể mình cũng có thể dẫn đến nguy cơ lây bệnh.
Ở đây, mọi người vẫn còn chưa hết bàng hoàng bởi tai nạn của anh Bùi Huy Vũ, y sĩ của trung tâm. Tai nạn nghề nghiệp xảy ra khi anh lấy máu một cháu bé để mang đi xét nghiệm. Do cháu bé giãy giụa, kim tiêm có chứa máu người bệnh đã đâm vào tay anh Vũ. Mặc dù đã được tiêm ngay thuốc đặc trị ARV, nhưng không loại bỏ nguy cơ lây nhiễm 100%.
Đó có lẽ là những ngày đen tối không chỉ của anh Vũ mà của cả trung tâm. Anh Vũ cho biết mình thực sự phải sống trong hoang mang, sợ hãi mà không thể chia sẻ với những người thân trong gia đình vì biết mọi người sẽ lo lắng. Mặc dù được đồng nghiệp động viên an ủi nhưng anh vẫn có những đêm mất ngủ vì lo lắng và sút mất mấy kg. Và cái ngày anh Vũ có kết quả xét nghiệm âm tính có lẽ là ngày vui nhất trong cuộc đời anh Vũ. Cả trung tâm thở phào như trút được gánh nặng và niềm vui của anh Vũ cũng là niềm vui của tất cả mọi người…


Cao hơn cả là tình yêu thương

Tất nhiên, để tránh nguy cơ lây nhiễm, các cô bảo mẫu của trung tâm đều được qua một khóa huấn luyện và có những quy định nghiêm ngặt để hạn chế rủi ro. Nhưng đôi khi họ đã bất chấp quy định bởi nó giống như sợ dây ngăn cách tình yêu thương thật sự mà các cô dành cho các em bé bất hạnh.

Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thị Gái, hi sinh cả tuổi xuân để ở lại trung tâm chăm sóc cho các bé nhiễm HIV/AIDS.

Chị Trần Thị Mỹ Lan tâm sự: "Có nhiều trẻ sơ sinh khi mới vào đây chỉ còn da bọc xương, có em thì mụn nhọt mọc đầy người trông rất thương. Nếu đúng theo quy định thì khi chăm sóc các bé phải đeo găng tay, khẩu trang, yếm, để tránh máu bắn vào người nếu có. Nhưng không thể làm vậy vì nó sẽ tạo ra hố sâu ngăn cách giữa cô và trò. Chúng tôi coi các bé như con mình, vỗ về âu yếm bằng tất cả tình thương của người mẹ thì làm sao có thể làm như vậy được. Chúng còn nhỏ nhưng rất nhạy cảm và dễ tủi thân".
Có lẽ lời chị Lan nói là đúng khi ánh mắt của những em bé ở trung tâm Tam Bình dù lớn hay nhỏ đều man mác buồn ngay cả khi chúng cười. Và phải tận mắt chứng kiến hình ảnh một cô bảo mẫu nhẹ nhàng rửa và bôi thuốc vào cái nhọt đã vỡ ra của một bé bằng bàn tay không mới thấy họ thật sự yêu thương các em bằng cả tấm lòng.
Vất vả nhất có lẽ là các cô ở bộ phận chăm sóc trẻ sơ sinh bởi các bé còn quá nhỏ. Những khi có bé nào đó bị nóng sốt, quấy khóc cả đêm, các cô lại là người phải thức cả đêm chăm sóc, vỗ về. Cũng có khi phát bệnh, nhiều bé biếng ăn các cô lại phải dỗ dành và chính bàn tay các cô phải đút từng muỗng cháo cho các em ăn.
Khi có một bé trong trung tâm phải nhập viện, cũng chính các cô là người ở bên cạnh túc trực 24/24, có khi phải nằm ngoài hành lang bệnh viện để chăm sóc. Và khi các em giành giật lại được sự sống với thần chết, chính các cô là người vui nhất. Nhưng khi một em ra đi thì đó là một mất mát không gì bù đắp nổi.
Chị Trần Thị Thu Tâm, người đã làm việc ở trung tâm hơn chục năm nay ngậm ngùi: "Lúc trước, khi chưa có thuốc đặc trị ARV, tình trạng tử vong của các bé trong trung tâm rất nhiều. Mỗi lần chứng kiến một em ra đi là một lần thấy mất mát ghê gớm. Các em không phải máu mủ ruột rà của mình nhưng chúng tôi coi các em như người thân. Nếu người mẹ thấy vui thế nào khi hàng ngày chăm sóc, vỗ về con mình, thấy chúng lớn lên từng ngày, vui khi chúng biết bò, biết chập chững những bước đầu tiên thì tình cảm của chúng tôi cũng như vậy. Vì vậy mà khi một cháu ra đi, các cô cũng đều rơi nước mắt".

Ảnh minh họa

Chăm từng bữa ăn.

Chị Tâm còn ám ảnh mãi cái chết của bé Sơn, lúc đó 3 tuổi. Sơn bị bướu ác tính, không biết nói, chỉ diễn tả bằng cử chỉ hoặc thỉnh thoảng bập bẹ được tiếng cô. Và khi phát bệnh, trong lúc vật vã đau đớn, tự dưng em đã thốt lên 1 câu xé ruột: “Cô ơi! Cứu con!”. Rồi Sơn chết. Và tiếng kêu đó nhiều khi vẫn còn văng vẳng bên tai chị Tâm cứa vào lòng chị đau đớn.
Cũng giống như chị Tâm, chị Mỹ Lan chia sẻ: "Nhiều lúc thấy đau lòng khi có bé chết trên tay mình nhưng bất lực không làm gì được. Lần đầu tiên chứng kiến cái chết của bé Hiền, tôi đã khóc rất nhiều và nhiều đêm mất ngủ, vì suy nghĩ sao phận người quá mong manh, nhất là với những đứa bé vô tội nhưng sinh ra đã phải mang án tử hình kia".
Hiền là một bé gái bị gia đình bỏ rơi trước cửa trung tâm, vào trung tâm được 4 tháng thì bé thường xuyên bị co giật phải đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng I. Nhiều đêm, bé lên cơn co giật, người tím tái, chính chị là người ôm ấp vỗ về để bé dịu bớt cơn đau đớn. Nhưng rồi bé đã không vượt qua được. Là người trực tiếp chăm sóc bé, chị Mỹ Lan có cảm giác mình vừa phải chia tay một người thân và chị đã khóc bằng tất cả tấm lòng và tình yêu thương chân thành.

Hi sinh cả hạnh phúc riêng để gắn bó với các em

Chị Nguyễn Thị Gái năm nay hơn 30 tuổi, đã làm ở trung tâm 10 năm nhưng vẫn chưa lập gia đình. Chị cho biết mình vốn là một cô bé mồ côi nên chị rất thương và đồng cảm với các mảnh đời bất hạnh ở đây. Đa số các bé đều là trẻ mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi nên các em rất cần tình thương của người mẹ. Và chị nguyện ở vậy, không lập gia đình để dành toàn bộ thời gian chăm sóc cho các bé bị nhiễm HIV/AIDS.

Ảnh minh họa

Lo từng chỗ ngủ.

Hiện ở trung tâm, chị Gái đã nhận bé Hạnh Dung làm con nuôi. Hạnh Dung được chị chăm sóc từ khi còn là đứa trẻ sơ sinh. Lúc đó, Hạnh Dung nhỏ nhất, lại hay sốt nên chị phải quan tâm hơn các bé khác, phải thường xuyên bế ẵm thậm chí thức nhiều đêm vì bé quấy khóc. Giờ Hạnh Dung đã 12 tuổi, phải chuyển sang khu khác nên chị không còn trực tiếp chăm sóc nữa. Nhưng chiều chiều đi học về, Hạnh Dung vẫn qua chơi với chị. Và những ngày lễ, tết, chị hay dắt bé về nhà mình chơi. Chị bảo chỉ nghe bé Dung gọi chị bằng 1 tiếng thân thương “mẹ” là chị thấy hạnh phúc rồi, không cần gì hơn.
Không chỉ chị Gái mà còn rất nhiều chị ở trung tâm không lập gia đình. Nhiều chị cho biết thấy mình là trẻ mồ côi lại làm việc ở đây nên đàn ông họ cũng ngại. Còn các chị thì đã gắn bó với trung tâm rồi nên không nỡ rời xa. Với họ, đây không chỉ là một chỗ làm mà còn là một mái ấm mà ở đó họ có thể mang yêu thương đến cho những người thật sự cần yêu thương.
Với đồng lương hiện nay, đời sống của những người làm công tác bảo trợ tại trung tâm còn nhiều khó khăn, sống trong môi trường dễ lây nhiễm như vậy nhưng thực sự họ chưa được quan tâm đúng mức, nhà nước cũng chưa có chế độ cụ thể đối với cán bộ công nhân viên chăm sóc bị lây nhiễm HIV/AIDS từ trẻ. Nhưng như chị Gái cho biết nếu có một chỗ khác trả lương cao hơn, chị cũng không muốn đi vì đã quá gắn bó với các bé ở đây.
Chị Mỹ Lan cũng tâm sự: "Khi chứng kiến những cái chết đau lòng của nhiều cháu, có những lúc tôi cũng muốn bỏ để tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn nhưng cứ nhìn những gương mặt ngây thơ nhưng đã sớm phải gánh chịu nỗi đau của các em thì lại muốn ở lại với hi vọng phần nào xoa dịu nỗi đau cho các em".

Và niềm vui của những người mẹ thứ hai ở trung tâm cũng giản dị lắm như lời chị Nguyễn Thị Mai tâm sự: "Mỗi ngày thấy từng em lớn lên khỏe mạnh, hoặc có một em chiến thắng tử thần thì tự dưng trong lòng cũng thấy vui. Chỉ cần các em hạnh phúc là mình cũng thấy hạnh phúc rồi. Và đối với họ, phần thưởng cao quý nhất là những giọt nước mắt trân trọng của những người phụ nữ khi đến trung tâm nhỏ xuống vì cảm thông chia sẻ chứ không phải là những ánh nhìn xa lánh của người đời"…

Theo VNN

Monday, September 28, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Người mẹ thứ 2 của trẻ em nhiễm HIV/AIDS"

Write a comment