Tốt nghiệp đại học 6 năm, trước sức ép của gia đình, chị Hòa kết hôn với một đồng nghiệp kém mình 2 tuổi. Đêm tân hôn, chị yêu cầu anh “chúng mình cứ ôm nhau thế này em cũng hạnh phúc lắm rồi”...

Chị Hòa, 31 tuổi, là kế toán của một công ty xây dựng, là nạn nhân của hội chứng “nói không” với tình dục và phải tìm đến nhà tư vấn để được hỗ trợ. Chị cho biết, mình là một phụ nữ hoàn toàn bình thường về mặt sinh lý, rất khát khao tình yêu, nhưng phải là thứ tình yêu “sạch sẽ”. Bởi vậy, có nhiều người đàn ông đến rồi vội vã rời bỏ, chỉ vì chị không “mặn mà” với chuyện nam nữ, kể cả một nụ hôn.

Những người không thích tình dục thuộc nhóm người vô tính, chiếm tỷ lệ nhiều như những người đồng tính luyến ái. Ảnh minh họa: corbis.



Chị Hòa kể, chị cảm thấy mình khác với bạn bè từ hồi học trung học, khi những người bạn trong nhóm bắt đầu chú ý đến bạn trai. Thoạt đầu, chị nghĩ mình là người chậm phát triển về giới. Đến khi vào đại học, đàn ông vẫn không khiến chị bị thu hút, chị bắt đầu nghi ngờ rằng có thể mình là người đồng tính. Nhưng cuối cùng, chị Hoà phát hiện ra là mình cũng chẳng “động lòng” gì trước đám bạn gái.

Lấy chồng miễn cưỡng trước sức ép gia đình, chị tìm mọi cách để từ chối "yêu" anh. Sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, cuối cùng chị cũng chấp nhận “làm cái việc xấu xa” ấy một lần với chồng rồi tìm cách né tránh. Cuộc hôn nhân tan vỡ khi họ chung sống được 3 tháng.

Anh Trung, giám đốc một công ty chuyên về nhập khẩu thiết bị nông nghiệp đã 36 tuổi, đẹp trai và rất giàu có, nhưng không có ý định lập gia đình. Đã có rất nhiều đồn thổi rằng Trung là người đồng tính, hoặc là người có bộ phận sinh dục bất thường nên mới không lấy vợ. Thế nhưng, bản thân Trung lại hiểu rất rõ về mình, rằng không có một sự khiếm khuyết nào về mặt “cấu trúc”. Trung không có bạn gái đơn giản chỉ vì “chuyện ấy” chẳng có gì hấp dẫn với anh.

Trung kể với nhà tư vấn tâm lý rằng, trước đây, anh có bạn gái, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức độ “yêu trong sáng”. Tình yêu khá lãng mạn nhưng chỉ dừng ở mức độ hôn, vuốt ve, còn gần gũi về thể xác thì không. Trung nói: “Các cô gái rời xa tôi vì thấy tôi thờ ơ với chuyện chăn gối. Có người thì nghĩ là tôi quá trong sáng, chờ đợi đến đêm tân hôn. Còn tôi đã nói thẳng với họ là tôi không muốn chuyện quan hệ nam nữ để họ không phải mất công chờ đợi và thất vọng”.

Trường hợp “vô tính” như anh Trung, chị Hòa hiện nay không phải là hiếm. Ở Việt Nam tuy chưa có một nghiên cứu nào về vấn đề này, nhưng các nhà tư vấn tâm lý nói rằng, có rất nhiều những cuộc gọi điện đến xin được tư vấn giúp đỡ.

Trước kia, về phương diện giới tính, chúng ta thường phân biệt nhân loại thành hai dạng: nam và nữ. Sau này, chúng ta chấp nhận sự hiện diện của một dạng người thứ ba, đó là những người đồng tính luyến ái.

Gần đây, xuất hiện thêm một dạng người thứ tư: Họ là những người nam, nữ bình thường, không đồng tính nhưng cũng không yêu người khác giới và không có nhu cầu về tình dục. Các nhà khoa học gọi họ là những người “vô tính” (asexual).

Cuộc nghiên cứu tại Anh cho thấy, tỉ lệ những người “vô tính” không ít hơn tỉ lệ những người đồng tính luyến ái bao nhiêu. Nếu một người đàn ông “vô tính” đem lòng yêu một người phụ nữ “vô tính”, quan hệ giữa hai người là quan hệ thuần tuý tình cảm và hoàn toàn không có sự thân mật về thể xác. Những người “vô tính” tin tưởng rằng, tình yêu của họ sâu đậm và lâu dài hơn tình yêu truyền thống giữa hai người khác giới. Đa số những người vô tính thường có bạn khác giới, những người mà họ có thể chia sẻ buồn vui cũng như sở thích.

Tại Canada, Anthony Bogaert, một nhà tâm lý học đồng thời là một chuyên gia về giới tính thuộc Đại học Brock ở Ontario, đã cho công bố cuộc nghiên cứu của mình trên tạp chí “The Journal of Sex Research”: 1% trong số 18.000 người tham gia một cuộc khảo sát đã khẳng định: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị bất cứ ai thu hút về sex”.

Một cuộc nghiên cứu ở Australia của Tiến sĩ Juliet Richters thuộc Đại học Sydney cho thấy 6% trong số gần 20.000 người tham gia cuộc khảo sát thú nhận họ chưa bao giờ làm tình với ai. Richters còn cho hay 3% trong số họ sẽ không bao giờ có đời sống tình dục và con số này có thể nhiều thêm vì có thêm 2% nữa không trả lời.

Alfred Kinsey, cha đẻ của môn tình dục học cũng đã nhận ra xu hướng “nói không với tình dục” trong cộng đồng. Trong báo cáo của Kinsey từ năm 1948 - 1953, có nói đến nhóm X, là những người “không có giao tiếp và phản ứng tình dục xã hội”. Ông ước đoán khoảng 1,5% đàn ông thuộc nhóm X này.

Trong cuốn “Hành vi tình dục ở phụ nữ”, Kinsey cũng mô tả một nhóm người “không có hấp dẫn giới tính với người cùng giới hay khác giới, không có quan hệ xác thịt với bất cứ ai, bằng chứng là không có bạn tình”. Con số này ước tính chiếm 14 - 19% phụ nữ chưa chồng, 1 - 3% phụ nữ đã có chồng, 5 - 8% phụ nữ đã từng có chồng, 3 - 4 % đàn ông chưa vợ, 0% đàn ông có vợ, 1 – 2 % đàn ông đã từng có vợ.

Cả chị Hòa và anh Trung đều không quan tâm đến những nguyên nhân gây ra tình trạng “vô tính” nơi họ, từ yếu tố xã hội cho đến yếu tố gene. Nhưng họ cho biết là không thất vọng về bản thân. Chị Hoà nói: “Sau khi chia tay, tôi như thấy trút được một gánh nặng. Tôi trở về với đúng bản thân tôi, sạch sẽ và khoáng đạt tâm hồn. Các nhà tư vấn khuyên tôi nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra một lần để xem cơ thể mình có gì bất thường không. Nhưng tôi thấy không cần thiết. Có lẽ, khi có tuổi một chút, tôi sẽ nhận nuôi một đứa con”.

Anh Trung thì nói rằng: “Tôi thấy thích thú hơn nhiều khi làm việc, đọc sách hay đi du lịch. Khi có người đẹp nào tỏ ý muốn “gần”, tôi sẽ mời nàng đi... uống cà phê và nói thẳng cho nàng biết là tôi không thấy hứng thú gì trong “chuyện ấy”. Tôi cũng muốn mọi người nhận ra rằng: Thiếu ham muốn về thể xác không có nghĩa là thiếu ham muốn về tình cảm”.

Những người “vô tính” thường giữ kín, không muốn ai biết “bí mật” của mình. Trường hợp khá hiếm hoi như anh Trung và chị Hòa, mặc dù đã tiết lộ với nhà tư vấn tâm lý, thế nhưng cả hai vẫn chưa sẵn sàng cho nhiều người khác biết cũng như không muốn công bố đầy đủ họ tên mình...

“Chúng ta có thói quen cho rằng tất cả những gì thuộc về thiểu số đều là sai, là trục trặc, là có vấn đề. Chúng ta ra sức ép những em bé thuận tay trái phải viết hay cầm nắm bằng tay phải, dù chúng có làm bằng tay trái cũng chẳng thua kém ai. Thực tế, tình dục đồng giới, tình dục lưỡng giới, không tình dục... cũng là những xu hướng tình dục của con người, nó cũng phải được tôn trọng và chấp nhận như tình dục khác giới - vốn là số đông", Thạc sĩ Đinh Đoàn, Chuyên gia Tư vấn Tâm lý, cho biết.

(Theo Gia đình)-VnExpress

Thursday, September 24, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "hững người sống không cần tình dục"

Write a comment