Đúng 4 giờ chiều, với đầy đủ tài liệu đã được phát trên tay, trong chiếc áo đồng phục trắng nhỏ gọn họ lại phân chia nhau đi đến các xóm trọ vào từng phòng để truyền thông và sẻ chia với các nam sinh viên... về HIV/AIDS.

Mới “chập chững” bước vào công việc biết bao khó khăn, vui có buồn cũng có nhưng ánh mắt và những nụ cười họ đã trả lời cho câu hỏi: “Vì sao bạn vẫn muốn tiếp tục gắn bó với công việc này?”.

Hãy biết “Vui có chừng, dừng đúng lúc”!

Đó là câu slogan, cũng là “cái đích nhắm tới” của nhóm ba bạn đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền gồm Hoàng Thị Thùy (sinh viên lớp Báo in k26); Lê Trung Nghĩa và Đặng Đức Việt (sinh viên lớp Phát thanh k26) khi quyết định tham gia và trở thành tình nguyện viên (TNV) Trung tâm phòng chống AIDS (86 Thợ Nhuộm, Hà Nội).

“Không phải chỉ riêng chuyện tình cảm nam nữ mà trong cuộc sống nói chung mình thấy câu nói trên vẫn rất có ý nghĩa với tất cả mọi người” - Nghĩa, chàng sinh viên có mái tóc hơi “bụi”, dáng người thấp đậm tâm sự: “Sinh viên, đặc biệt là với các bạn nam, chuyện dễ bị sa vào các tệ nạn xã hội khi rời khỏi sự chăm sóc, giáo dục, quản lí của gia đình lại càng lớn nếu chúng ta không học cách tự bảo vệ chính mình rồi sau đó là đến những người xung quanh”. Bản thân cũng là một sinh viên ngoại tỉnh (quê ở Sơn Tây, Hà Tây) nên Nghĩa càng thấy mình phù hợp với công việc là một TNV.

Chỉ với một khóa đào tạo ngắn hạn trang bị các kiến thức về HIV/AIDS, kĩ năng khi giao tiếp, tiếp nhận thông tin và một chút “máu” nghề nghiệp, giờ đây sau ba tháng “thử lửa”, Đức Việt đã có thể tự tin giải thích cặn kẽ cho các bạn nghe các kiến thức từ cơ bản đến đi sâu vào HIV/AIDS: “Tất cả các bạn sinh viên mà bọn tớ từng trò chuyện đều có ý thức về sự nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ này nhưng họ không biết tại sao lại như vậy mà chỉ cần biết “sơ sơ” để tránh thôi” – Việt nói.

Vui buồn chuyện chia sẻ

“Sáng đi học, trưa về kí túc nghỉ ngơi ăn cơm, đọc sách, học thêm, chiều từ 5 giờ đến 9 giờ tối đi truyền thông...”. Nhìn vào bảng phân bổ thời gian dày đặc này, ít ai có thể hình dung được đó lại là lịch làm việc của cô bạn có vóc người nhỏ bé như Hoàng Thị Thùy.

“Có chiều vừa đi học về mình lại vội “lên đường”, bụng đói meo, mệt nhưng vui lắm. Sự chân thành, cởi mở của các bạn nam sinh viên chính là “liều thuốc” chữa mệt mỏi tốt nhất cho bọn mình khi đi tình nguyện”- Nghĩa nói.

“Có bạn sinh viên khi nghe mình giới thiệu là sinh viên trường báo, họ sợ mình đến rồi viết này viết nọ nên từ đầu buổi đến cuối cuộc trò chuyện chỉ có mình “tự biên tự diễn”. Và như thế là mình đã thất bại rồi vì điều bọn mình cần là được lắng nghe và chia sẻ kiến thức về HIV/AIDS với các bạn” - Việt cho biết.

Câu chuyện của Nghĩa về lần đến truyền thông ở một xóm trọ khu Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) cho đến giờ vẫn là kỉ niệm không thể quên: “Ban đầu, anh chị chủ nhà cũng bắt mình phải trình chứng minh thư, thẻ sinh viên rồi mới cho vào. Rồi khi mình đang trên phòng trọ nói chuyện với một nhóm các bạn sinh viên về HIV/AIDS thì anh lẳng lặng lên, đứng ngoài nghe.

Tốt quá, nếu sinh viên nào cũng làm được như các em thì anh sẵn sàng ủng hộ”. Lúc ra về anh ấy đã tận tình ra mở cổng tiễn mình và không quên câu hỏi: Vài hôm nữa em có quay lại đây không? Có người còn giữ mình ở lại ăn cơm, dự sinh nhật nhưng mình chỉ cảm ơn rồi xin phép ra về vì công việc không cho phép”.

Sau mỗi lần như thế nhóm lại họp để trao đổi, rút kinh nghiệm về công việc. Những cái nhìn đăm chiêu, suy tư vẫn có nhưng những lời động viên của gia đình, bạn bè, những tiếng cười vui vẻ luôn rạng ngời trên khuôn mặt họ.

Sưu tầm

Thursday, September 24, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "8X Truyền thông phòng chống HIV/AIDS"

Write a comment