Cứ vào những ngày cuối tuần, câu lạc bộ chèo Hương Lúa (Thái Bình) lại say sưa tập luyện những vở diễn mới. Các diễn viên chèo ở đây đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nhưng họ lạc quan, yêu đời và cởi mở đến lạ!


Những diễn viên chèo mang virus HIV thuộc CLB Hương Lúa

Con virus cầu gai chết người

Chúng tôi đến căn phòng nhỏ trong ngõ 704 (phường Trần Lãm, TP Thái Bình) xem họ tập luyện. Khác với tưởng tượng ban đầu của chúng tôi, họ khá thân thiện và cởi mở, không một chút e ngại với báo chí.

Trong suốt câu chuyện, với những cảnh đời ngang trái, tôi không thấy có những giọt nước mắt tủi thân, ngược lại các thành viên trong câu lạc bộ đều toát lên vẻ tự tin, yêu đời. Tôi thấy ở họ khát vọng sống và cống hiến hết mình cho xã hội.

Người phụ nữ răng khểnh, đẹp ngỡ ngàng, giọng nói lảnh lót, ngồi trước mặt tôi hồn nhiên kể chuyện đời mình là chị Trần Thị Thi.

Thi sinh ra ở xã Vũ Đông (Kiến Xương, Thái Bình). Học hết THCS, nhà nghèo, Thi đành nghỉ học ở nhà làm may phụ giúp gia đình. Thi càng lớn càng xinh đẹp, được nhiều trai làng để ý. Thế nhưng, người mà Thi lựa chọn lại là một chàng trai ở xã bên. Họ yêu nhau say đắm, rồi tổ chức đám cưới trong niềm hân hoan của gia đình và bạn bè. Kết quả của tình yêu đẹp ấy là sự chào đời của một bé trai kháu khỉnh.

Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, một ngày, đứa con 6 tháng tuổi của anh chị lăn ra ốm, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chị đã ngất xỉu khi nghe bác sĩ thông báo cháu bé có HIV. Lúc tỉnh dậy chị vẫn không tin đó là sự thật. Nỗi đau đó quá kinh khủng.

Nằm viện hơn tháng thì bé qua đời vì không đủ sức chống chọi với con virút cầu gai chết người.

Lúc này, người chồng mới thú nhận rằng mình chính là người gây nên tai họa đau đớn cho chị và con. Trước khi quen và yêu chị, anh ta đã có thời gian anh lên vùng Lai Châu làm công nhân cầu đường. Theo mấy người bạn xấu chơi bời, nghe họ rủ rê, rồi anh trở thành con nghiện lúc nào không hay. Chỉ một phút nông nổi, sa đà vào ma túy, giờ anh phải trả một cái giá quá đắt. Hậu họa anh gây ra bắt cả vợ con gánh cùng.

Nhìn vào hiện tại là bệnh tật, nhìn vào tương lai chỉ thấy cái chết đang cận kề, chị suy sụp hoàn toàn. Nhưng, nhìn vào ánh mắt trông đợi của người thân, nhất là cảnh bố mẹ đã già yếu, không có ai chăm sóc, chị lại cố gắng vươn lên sống tiếp.

Chị xin làm công nhân ở Công ty Xuất nhập khẩu Thái Bình với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng, để có tiền nuôi thân, nuôi cha mẹ già...

Thái Bình có khá nhiều Câu lạc bộ của người có HIV/AIDS và hoạt động rất sôi nổi. Trong đó, Câu lạc bộ Hương Lúa đặc biệt nhất, vì nó hoạt động như một đoàn chèo của tỉnh.

Để trở thành thành viên của câu lạc bộ này, những người có HIV phải có năng khiếu hát hoặc múa và cao hơn cả là lòng dũng cảm, dám công khai danh tính để có thể hoàn thành tốt múc đích tuyên truyền.

Nghe tin Câu lạc bộ Hương Lúa tuyển diễn viên hát chèo, chị Thi đã nộp đơn xin dự tuyển đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thái Bình.

Chị tâm sự: “Hôm thi tuyển vào câu lạc bộ, mình hồi hộp lắm. Cuộc thi tuyển khắt khe không khác gì thi đại học. Có hơn trăm người nộp đơn thi tuyển mà chỉ chọn 10 người”. Nhưng với giọng hát trời phú, chị được xếp ngay vào danh sách 10 thành viên của câu lạc bộ hát chèo đặc biệt này.

Giờ đây, chị Thi là một diễn viên xuất sắc, chuyên đảm nhiệm vai chính trong các hoạt cảnh chèo của đạo diễn Trần Trọng Bằng.

Mới đây, chị đã có một quyết định rất táo bạo, đó là xin nghỉ việc tại Công ty xuất nhập khẩu Thái Bình để dồn hết tâm huyết cho Câu lạc bộ Hương Lúa.

Lương công nhân được hơn triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống vốn bần hàn của gia đình, nhưng tham gia Câu lạc bộ Hương Lúa, chị chỉ nhận được 550.000đ/tháng (do Ngân hàng thế giới tài trợ). Hỏi lý do, chị cười hiền lành: “Tiền không mua được niềm vui em ạ”.

Hầu hết những thành viên trong Câu lạc bộ Hương Lúa đều có chung suy nghĩ như chị Thi. Họ tập hợp về đây, ngoài việc chia sẻ những buồn vui, những khó khăn trong cuộc sống thường nhật, thì còn tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh có HIV/AIDS khác đang gặp bế tắc trong cuộc sống.

Hồi sinh

Đạo diễn Trần Trọng Bằng là giáo viên của Trường Trung cấp nghệ thuật tỉnh Thái Bình, song ông dành phần lớn thời gian dìu dắt các thành viên trong Câu lạc bộ Hương Lúa.

Ông kể rằng, dù đã qua tuyển chọn, nhưng những diễn viên không chuyên này vẫn rất khó khăn trong buổi đầu tập luyện. Giống như đứa trẻ bắt đầu nhận diện mặt chữ, họ phải học từng li từng tí, từ cách cầm micro ra sao, cách đi ra sân khấu và đứng trước khán giả thế nào, để không còn cảm thấy ngượng ngùng, bỡ ngỡ.

Nhớ lại lần dẫn Câu lạc bộ Hương Lúa về Hà Nội biểu diễn tại Nhà hát Hồng Hà, đạo diễn Trần Trọng Bằng kể với tôi: “Do chưa quen biểu diễn trước hàng trăm khán giả, sân khấu hoành tráng, nên anh chị em run lắm. Vừa diễn xong, cô bé Toan, mặt mày nhễ nhại mồ hôi, chạy ngay xuống ôm chầm lấy tôi khóc nức nở một lúc mới lấy lại được bình tĩnh”.

Tuy nhiên, giờ đây, dưới sự dìu dắt của người nghệ sĩ tài hoa, hết mình vì những người có HIV, chỉ trong 4 năm qua, Câu lạc bộ Hương Lúa đã trở thành một đoàn chèo khá chuyên nghiệp, gặt hái được nhiều thành tích.

Đoàn chèo biểu diễn từ Bắc vào Nam, từ thành thị đến nông thôn, rồi các doanh nghiệp, tổ chức xã hội liên tục mời họ đi biểu diễn. Mỗi hoạt cảnh, mỗi vở chèo đều là những thông điệp chất chứa nỗi lòng mà họ muốn gửi đến cộng đồng. Nội dung các tác phẩm đều lấy bối cảnh thực của những người có HIV.

Khán giả đã bao lần rơi nước mắt khi xem vở chèo “Với cả tình thương”. Chị Thi, Chị Thơ là hai diễn viên chính, hai người đàn bà cùng có HIV.

Xuyên suốt câu chuyện là cuộc sống, tâm trạng và bi kịch của hai người đàn bà, một người thì chồng mới chết, một người lại sắp sinh con. Những lo lắng về sự kỳ thị của hai nhân vật cũng chính là tâm sự của những người đàn bà vô tội bị con virút cầu gai cướp đi tất cả.

Có lẽ, chẳng bao giờ Câu lạc bộ Hương Lúa quên được buổi biểu diễn ở huyện Đông Hưng (Thái Bình). Khi hoạt cảnh chèo “Tâm sự với cộng đồng” vừa diễn xong, bà con ào ào leo lên sân khấu ôm chầm lấy các diễn viên khóc nức nở. Những giọt nước mắt cảm động, xót thương, chia sẻ của cộng đồng hòa với nước mắt hạnh phúc của những người bị căn bệnh thế kỷ. Khoảng cách giữa những người có HIV và xã hội đã không còn nữa.

Anh Tú, tổ trưởng Câu lạc bộ Hương Lúa, người từng đi xét nghiệm 5 lần trong 1 ngày vì không tin mình có HIV nghẹn ngào nói: “Chúng tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn tất cả. Niềm vui không gì sánh được là sự giang tay đón nhận của cộng đồng”.

Theo Lâm Giang - Thục Hiền

VTCNews

Thursday, September 24, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Những diễn viên chèo có HIV"

Write a comment