Những nụ hôn, những vòng tay ôm là hình ảnh thường bắt gặp tại Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi Hà Nội.

7 chuyện đang chờ để kể cho quý vị tại Ngôi nhà Nghệ thuật 31A Văn Miếu, Hà Nội. Những câu chuyện có thật, bình dị và đáng kinh ngạc, đau thương hay tươi sáng... đều được ống kính của các phóng viên ảnh ghi lại chân thực và nghệ thuật.

Trong khi báo chí ít có không gian xứng đáng cho những tác phẩm phóng sự ảnh dài hơi, công phu, các tác giả đã đã tự tìm đường đến với công chúng. Họ chỉ đơn giản phóng lớn những bức ảnh của mình và cặp lên dây phơi...

Bước lên cầu thang, người xem chạm ngay vào chùm hình ảnh quanh vụ sập cầu Cần Thơ của Na Sơn- một phóng viên ảnh tự do đã tự trang trải để có mặt tại nhiều điểm nóng trong đó có cuộc chiến Lebanon 2006.

Na Sơn còn có một chuyện nữa tham gia triển lãm là Ngôi nhà mới cho tuổi xế chiều kể về các cụ hưởng tuổi già trong trại dưỡng lão- câu chuyện không đến mức bi kịch như nhiều người tưởng...

Đặc biệt vào 15 giờ ngày bế mạc 29/6, tại Ngôi nhà Nghệ thuật 31A Văn Miếu Hà Nội sẽ diễn ra buổi quyên góp và đấu giá. Toàn bộ số tiền thu được sẽ chuyển trực tiếp tới các trung tâm chăm sóc trẻ em nạn nhân da cam ở Hà Nội.

Đây không phải lần đầu tiên Na Sơn kể chuyện này (với phóng sự ảnh này Na Sơn đã đoạt giải Nhất tại khóa học ảnh báo chí do Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương và TTXVN tổ chức tại Hà Nội 2007), nhưng bức ảnh đinh của phóng sự thì hôm nay anh mới công bố...

Những hình ảnh về các nạn nhân chất độc màu da cam luôn gây xúc động nhất là với các nạn nhân trẻ em- qua ống kính của Justin Mott. Justin gặt hái được nhiều giải thưởng về ảnh khi còn là sinh viên ĐH San Francisco. Từ 2005, anh là đại diện của World Picture News tại Đông Nam Á và đang sống tại Hà Nội.

Tác phẩm của anh đã xuất hiện trên Time, Newsweek, New York Times, L’Express, The Independent UK... và nhiều tờ báo tên tuổi khác. Mott còn là nhà quay phim.

Câu chuyện bằng ảnh của anh kèm theo những thông tin: “Chăm nom 124 đứa trẻ chỉ có 1 bác sĩ, 2 y tá và 6 người trông trẻ. 80% các đứa trẻ bị tâm thần. Hàng tháng Nhà nước cấp cho mỗi đứa trẻ ở Trung tâm15 đô la...”

Nhiếp ảnh gia tự do Trọng Tùng đã tìm được một cách kể tươi mới cho một câu chuyện ít được chú ý vì quá phổ biến với tên gọi Thư gửi bố mùa thi. Tùng đi theo một nữ sinh Hải Dương lên Hà Nội trọ học để ôn thi ĐH trong gần 1 tháng và ghi lại được những hình ảnh đời thường khá thú vị. Chẳng hạn hình ảnh lịch học của cô bé vô tình mà có dòng chữ Cho ngày nay cho ngày mai. Phóng sự ảnh đã đăng trên tạp chí Gia đình Xã hội cuối tuần.

Câu chuyện của Lâm Khánh (TTXVN) là một tập hợp những bức ảnh chụp những người bạn nhỏ của anh sống tại khu làng nổi phía Bắc cầu Long Biên. Màu sắc sống động và sự lạc quan toát lên từ đời sống nghèo khó và có khi hiểm nguy của lũ trẻ. Việc giẫm phải bơm kim tiêm của dân nghiện là chuyện thường.

Trọng Chính (TTXVN) sau khi đoạt giải Nhì về Phóng sự ảnh và Nhất ảnh đơn tại khóa học của Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương đã tiếp tục bổ sung cho bộ ảnh về làng thép Đa Hội. Trong vòng 1 năm ăn ở cùng những người làm thép, anh đã có được một góc nhìn cận cảnh khá độc đáo về công nghiệp hóa kiểu Việt Nam.

Tình thương trong cảnh nghèo khó (Companionship of Poverty) là bộ ảnh để lại nhiều ấn tượng với người xem. Đề tài không hẳn mới lại đã có nhiều người đã chụp nhưng có lẽ Justin Maxon có duyên với mẹ con chị Mùi hơn cả.

Người kể chuyện trẻ nhất của triển lãm bỏ ra gần 1 tháng để theo một người đàn bà được coi là hơi bị điên và con trai nhỏ của chị. Thực ra chị Mùi là một Phật tử và có vẻ đang tìm thấy hạnh phúc trong những điều kiện sống không thể tối giản hơn.

Trong ảnh là cảnh 2 mẹ con đang nâng niu những hạt gạo vãi trên cầu Long Biên. Max (có biệt hiệu là MadMax- tức Max điên) cho biết 2 mẹ con đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách suy nghĩ và cách sống của anh sau này...

Max đoạt khá nhiều giải thưởng về ảnh mà gần đây là Nhất hạng mục Cuộc sống Hàng ngày của cuộc thi danh giá World Press Photo (2007) bằng chính một bức ảnh chụp mẹ con chị Mùi. Max đang theo học năm cuối ĐH San Francisco, cộng tác với Aurora Photos và hè năm nay thực tập tại Associated Press.

Những bức ảnh tại triển lãm 7 chuyện được bán với giá 100USD (cỡ 30X45 có khung) và 150USD (60X90). Một thùng quyên góp cho các trẻ em nạn nhân chất da cam bày ở giữa phòng. Nếu bỏ vào đây 100 nghìn đồng, bạn sẽ được tặng một poster của triển lãm, 300 nghìn đồng sẽ được nhận một bản copy của 1 trong 7 chuyện in trên giấy ảnh cỡ 60X90cm.

Sunday, September 27, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "“7 chuyện” là những chuyện gì?"

Write a comment