“Độ hot” của ngôn ngữ 9x đã lắng dần nhưng những hệ quả, và hậu quả mà nó để lại cho teen thì còn “âm ỉ” dài dài...

1. Nguồn gốc, sự phát triển



Hãy tự tạo cho bạn những thói quen tích cực nhé! (Ảnh chỉ có tính minh họa - k.14)

Khoan xét đến mặt tiêu cực. Hãy nghĩ đến "nguồn gốc" trước đã. Cách đây một năm - "thời đại hoàng kim" của ngôn ngữ mạng, teen chỉ suy nghĩ đơn giản rằng biết ngôn ngữ teen là thể hiện được cá tính và phong cách của mình, chat bằng kiểu ngôn ngữ không giống ai sẽ thú vị hơn. Thực tế, những kí tự ấy xuất phát từ việc nhắn tin cơ. Chính vì muốn nhắn tin cho nhanh mà "i" là "j", "b" là "p", từ đó mở rộng thêm nhiều sự sáng tạo khác nữa...

Và kiểu ngôn ngữ ấy ngày càng biến thể dưới nhiều dạng khác nhau. Từ chỗ thu gọn, viết tắt đến mức tối thiểu, cho đến cố làm ra dài ngoằng một từ nào đó, sau đó là viết hoa không theo quy luật, rối rắm đến mức một số teen sành điệu đôi lúc phải căng mắt ra dịch mà cũng chưa chắc hiểu hết.

Đến nay thì hầu như ai biết online cũng quen với cách tán gẫu theo cách "made by teens". Thậm chí những 8x năng động vẫn thích sử dụng ngôn ngữ teen để thông tin liên lạc. Vừa nhanh vừa thân thiện, không khô khan cứng nhắc.

2. Hệ quả

- Trao đổi được khá nhiều vấn đề khi thời gian được tận dụng đến mức tối đa. Nhắn tin được nhiều nội dung hơn, tiết kiệm hơn.

- Lôi cuốn, sinh động. Nhìn vào những con chữ có thể biết sắc thái diễn đạt của chủ nhân "biểu cảm" đến mức nào.

- Trở thành một phong cách. Nếu ai đã "hết teen" mà vẫn còn "cưa sừng làm nghé" theo kiểu "dzậy hỏ, thịk hok" thì đích thị là quá nhí nhảnh.

- Muốn chơi nổi, muốn thách đố phụ huynh, muốn làm 9x ghét... thì hãy xài ngôn ngữ teen, viết hoa không theo quy luật, và dấu thanh thì càng nghiêng ngả càng tốt.

- Có thể giữ bí mật. Bạn pha trộn nhiều phong cách ngôn ngữ teen thì đố ai hiểu!

3. Hậu quả

Không biết tự bao giờ, "hậu quả" là cụm từ dùng để ám chỉ những điều tiêu cực, không tốt, chứ không còn ý nghĩa là "kết quả sau cùng" nữa.

Và hậu quả thì teen mới dần nghiệm ra khi đã gặp những tình huống dở khóc dở cười.

- Đọc chữ, dần dần phát âm theo, và rồi nhiễm. Theo thời gian, teen phát âm khác người, giọng ẹo ẹo, và rồi một ngày đẹp trời chợt nhận ra "sao dạo này giọng mình cứ là lạ ấy nhỉ?"

- Lậm. Viết sai chính tả. Ban đầu chỉ nghĩ là viết tắt trong tập vở để chép bài nhanh, nhưng sau này thành thói quen, và lâu hơn, thành phản xạ không điều kiện. Tai hại đến mức không kiểm soát được, đến mức không phân biệt được "cúi" (xuống) và "cuối" (cùng). Từ một người không bao giờ sai chính tả bỗng trở nên sợ hãi trước những từ cơ bản.

- Đọc trôi chảy dãy kĩ tự khó hiểu, nhưng lại va vấp, khựng lại bất chợt khi đọc một đoạn văn xuôi...

Có thể, bạn nghĩ rằng, hậu quả, và hệ quả ở đây chẳng đáng kể gì. Nhưng bạn hãy ngẫm lại mà xem, ít nhất bạn cũng đã từng một lần vướng phải nó nếu bạn là một tín đồ của ngôn ngữ 9x. Và cảm giác ra sao thì bạn biết rồi đấy.

***

Hãy thay đổi. Bạn làm quen với nó nhanh, nhưng khó từ bỏ trong một thời gian ngắn. Vậy thì hãy tập thích nghi dần với ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng, cắt giảm dần dần những kiểu teen, dành ra chút ít thời gian để nhắn tin đúng ngữ pháp... Dần dà, bạn sẽ có những thói quen tích cực.

Theo Mực Tím

Monday, September 28, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Ngôn ngữ 9x - hậu quả kéo dài"

Write a comment