- Một đêm, khi mà lũ làng đã lên giường ngủ hết, xa xa đâu đó sau cánh rừng già ở Kon Thụp (Gia Lai), chim lợn cất tiếng kêu eng éc suốt đêm. “Lại có điềm xấu gì đây hả Yàng?” - nhiều lũ làng lo lắng...

Cùng lúc, trời đổ mưa như trút nước, sấm chớp đì đùng. Xơ Y Pơnh (dòng tu Ảnh Phép Lạ, cơ sở Vinh Sơn, tỉnh Kontum) hôm đó đang đi công việc ở làng An Mỹ (tỉnh Gia Lai) nhận được tin báo có một người mẹ xấu số qua đời, để lại đứa bé và dân làng sắp “cho đi theo mẹ”. Xơ lập tức đón xe ôm đến tận nơi, giải thích với lũ làng rằng để xơ nuôi đứa nhỏ, đừng chôn nó theo mẹ. Lũ làng lưỡng lự nghe theo. Ủ ấm cho đứa bé, ngay đêm mưa gió đó xơ tức tốc đưa về cơ sở Vinh Sơn. Đó là đêm 2-7-2007, Pi Yo Rông - nay là cậu bé 18 tháng tuổi, bụ bẫm với đôi mắt đen tròn lay láy - đến với mái ấm như vậy.

Nuôi dưỡng trẻ thơ

Pi Yo Rông chỉ là một trong số hàng chục, hàng trăm đứa trẻ suýt bị chôn sống theo mẹ bởi hủ tục “dor tom amí” (chôn con theo mẹ) của một số đồng bào dân tộc Tây nguyên được các xơ dòng Ảnh Phép Lạ cứu sống, nuôi nấng. 18 tháng tuổi, Pi Yo Rông quấn quýt suốt bên các xơ như con gà con quẩn quanh chân mẹ. Nhiều anh chị lớn hơn Pi Yo Rông ở đây cũng suýt bị chôn theo mẹ được cứu sống, nhiều người là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật sinh ra bị bỏ rơi...

Tỉnh Kontum hiện có năm dòng nữ tu hoạt động, trong đó các dòng Phao Lô, Nữ Tử Bác Ái, Mến Thánh Giá, Chúa Quan và Ảnh Phép Lạ. Dòng Ảnh Phép Lạ của các nữ tu người dân tộc thiểu số Tây nguyên tự nhận có sứ mệnh cứu vớt, chăm lo trẻ bất hạnh không nơi nương tựa. Do nuôi dưỡng nhiều cháu, dòng tu chia thành hai cơ sở, lấy tên là Vinh Sơn 1 và Vinh Sơn 2.

Những mảnh đời bất hạnh đang được nuôi dưỡng tại mái ấm

Xơ Y Biut, người phụ trách mái ấm Vinh Sơn 1, nhớ lại cơ sở Vinh Sơn ngày trước chỉ là một túp lều nhỏ nằm phía sau nhà thờ gỗ Kontum K’Nâm, do các xơ dựng lên để có chỗ nuôi nấng trẻ mồ côi từ những năm 1947. Chính lòng nhân từ của xơ Nguyễn Thị Sang và xơ Y Bưih đã gây dựng nên cơ sở Vinh Sơn. Nhưng giờ đây cả hai xơ đã về bên kia thế giới của Yàng cùng các đấng thần linh và tổ tiên. Do số lượng quá đông, có lúc gần 500 người nên được tách thành mái ấm Vinh Sơn 2 để thuận tiện trong việc quản lý, chăm sóc.

Hiện nay, mái ấm Vinh Sơn 1 và Vinh Sơn 2 đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 400 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào các dân tộc thiểu số Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng... Trên tấm bảng tại mái ấm Vinh Sơn 1 ghi: 17 trẻ mồ côi, 70 trẻ có hoàn cảnh mẹ chết, 51 trẻ có hoàn cảnh cha chết, 36 trẻ có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, 10 trẻ sinh đôi, 5 trẻ bị tàn tật... với gần 180 trẻ dưới 16 tuổi. Trong số gần 70 trẻ em có hoàn cảnh mẹ chết không nơi nương tựa, có rất nhiều em suýt bị chôn sống theo mẹ.

Nâng cánh chim chơrao

Để có đủ cơm áo nuôi nấng, có tiền thuê thầy cô vào dạy học và tiền sách vở cho tụi nhỏ, các xơ vừa chăm trẻ vừa tổ chức lao động sản xuất tận bên làng Kon K’Tu, xã ĐăkRơWa cách đó nhiều cây số.

Ngoài các xơ còn có lực lượng giúp việc là những trẻ mồ côi được các xơ cưu mang, cho học chữ học nghề nay đã trưởng thành, người đi làm thợ may, thợ sửa chữa xe gắn máy, lái xe, người trở về quê hương làm rẫy, chăn nuôi trâu bò, làm kinh tế trang trại... Các em nhỏ ngoài giờ đến trường học, trở về mái ấm còn giúp các xơ nấu cơm, nhặt rau, chăm em... Ai vào việc nấy như một đại gia đình ấm áp, hòa thuận.

Tại mái ấm Vinh Sơn 1 hiện đang nuôi 180 em. Có bốn xơ trông nom, cao tuổi nhất là xơ Y Đeo (74 tuổi) và các xơ Y H’Nét (64 tuổi), Y Biut (ngoài 60 tuổi). Xơ Y Lok trẻ nhất cũng trên 55 tuổi. Mỗi sáng, gà rừng còn chưa cất tiếng gáy thì các xơ đã phải dậy từ lâu để lo bữa ăn sáng cho các em còn kịp đến trường. Chừng ấy con người ở mái ấm Vinh Sơn, bình quân mỗi ngày chi trên 700.000 đồng cho việc ăn uống. Không chỉ việc ăn uống, học hành sách vở mà mỗi khi trái gió trở trời các em cảm sốt, nhức đầu sổ mũi... lúc đó các xơ lại phải đôn đáo lo thuốc thang.

“Tụi nhỏ đau bệnh, mình yên sao được! Chúng vui cười, khỏe mạnh, đi học được thầy cô giáo cho điểm cao thì bà cháu ríu rít cùng chung vui. Đến khi chúng như con chim chơrao đủ lông đủ cánh tự đi kiếm ăn, tìm hạnh phúc riêng cho mình rồi mà vẫn chưa hết lo. Nhiều em đã trưởng thành trở về quê dựng vợ gả chồng rồi khi gặp chuyện bất trắc lại tìm đến xơ nhờ cậy. Mình còn giúp gì được cho tụi nhỏ thì cố hết sức thôi, công dưỡng dục tính đến làm chi!” - xơ Y Đeo vừa nói vừa lấy vạt áo lau những giọt nước mắt trên đôi gò má nhăn nheo. Cứ nói đến những đứa con, chừng như niềm thương cảm dâng trào trong xơ thành nước mắt.

Nhiều em nay đã trưởng thành, thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học, ra đi làm. Như A Nam giờ là giáo viên Trường tiểu học xã Ngọc Bay, thị xã Kontum; Ca Ly Trang, sinh viên Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội (Hà Nội); Y Thu, sinh viên ĐH Y Hà Nội; Y Ly Khâm, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM; A Huyên, giáo viên Trường Dân tộc nội trú huyện Đăk Glei; Y Jem, giáo viên Trường THCS K’roong, thị xã Kontum... Hiện ở mái ấm còn sáu em đang theo học lớp 12, chín em đang học lớp 11, bảy em đang học lớp 10...

Những mảnh đời bất hạnh được các xơ cưu mang giờ như con chim chơrao đủ lông cánh bay đi khắp bốn phương trời.

Thursday, September 24, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "“Phép lạ” từ một dòng tu"

Write a comment