9X chán cuộc sống, quay sang ăn chơi rồi trượt dài trên con đường không còn điểm dừng, 9X bị gắn cho cái mác là chỉ biết ăn chơi, vô cảm... Nhưng đã bao giờ người lớn tự hỏi, tự nghĩ tới cảm xúc của chính người trong cuộc?

Người gửi: fantastarling

Trong cuộc sống bộn bề, hối hả ngày hôm nay, lứa tuổi học sinh cũng đang dần bị cuốn theo cái vòng xoáy đáng sợ đó. Sáng sớm, thường thì mỗi học sinh cần phải dậy từ 5h đến 5h30 để chuẩn bị đi học. Trong khi đó, buổi tối các bạn phải học bài, hết bài ở lớp học thêm rồi tới bài học trên trường. Chỉ khi kim đồng hồ chỉ vào số 11, 12 thì đó mới được coi là "giờ đi ngủ". Như vậy, tính ra trung bình một ngày chúng em chỉ được ngủ 6 tiếng - quá ít đối với lứa tuổi ăn, tuổi lớn.

Đó mới chỉ là vấn đề thời gian, còn việc học hành thì sao? Ngoài học bài trên lớp, hầu hết các bạn đều học thêm ở nhiều nơi khác. Hết đi đến lò này, lớp kia, lại tới trung tâm này, trường nâng cao khác... nhiều vô kể. Nếu chỉ vài buổi một tuần thì đã không thành vấn đề, nhưng giờ đây học sinh từ nhỏ tới lớn, đặc biệt là các lớp cuối cấp một ngày 3-4 ca (tầm 1,5 tiếng mỗi ca) là chuyện thường ngày ở huyện.

Rủi cho bạn nào gặp phải các ca học được xếp gần trùng khít nhau, chỉ chênh nhau 15-20 phút, đủ để cho thời gian di chuyển. Nhiều bạn học tới mức mà khi gặp vào buổi tối, không ít người còn phát hoảng vì sự đờ đẫn, mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt. Nhiều bạn bị hiện tượng stress như thế kéo dài, trên đường về nhà rất nguy hiểm, có thể gặp phải tai nạn như chơi.

Đấy mới chỉ là một trong nhiều vấn đề vẫn đang còn tồn tại. Nhưng, tạm thời, câu hỏi được đặt ra ở đây lại là: "Tại sao lại phải đi học nhiều như thế?". Rất đơn giản, chỉ cần minh họa bằng một sơ đồ như sau:

Học thêm --> biết trước kiến thức --> thầy cô trên lớp sẽ đi nhanh phần lý thuyết --> những bạn nhận thức tốt thì có thể bắt kịp một cách dễ dàng, những bạn chưa hiểu lại... đi học thêm để có thể rèn luyện, nâng cao...

Đấy! Cứ như thế, vòng tuần hoàn luẩn quẩn không thể thoát ra đối với các bạn học sinh cứ thế tiếp diễn.

Kế đến, chúng ta hãy cùng thử nghĩ xem: học sinh hôm nay (đa phần là 9X) cứ học miệt mài, "chăm chỉ" mà không hề biết mình đã bị cuốn vào cơn lốc đó. Quanh năm suốt tháng chỉ có học, học nữa, học mãi...

Mải với chữ học, học sinh quên mất rằng các bạn cũng chính là một người con trong gia đình, một cá thể trong một tập thể, một xã hội. Ngày qua ngày, tình cảm của họ cũng dần bị phai mờ. Họ vô tình trở thành những người vô cảm, ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mà quên hẳn những người khó khăn quanh mình, thậm chí là cả gia đình.

Rồi cứ thế, 9X bị gắn cho cái mác là chỉ biết ăn chơi, vô cảm. Không thể phủ nhận, thế hệ 9X ngày nay cần phải nhìn lại bản thân nhưng đã bao giờ người lớn tự hỏi, tự nghĩ tới cảm xúc của chính những người trong cuộc? Để từ đó, những 9X chán cuộc sống, quay sang ăn chơi rồi trượt dài trên con đường không còn điểm dừng. Điều này dẫn đến hậu quả là hàng loạt những trào lưu, tệ nạn trong giới trẻ "nở rộ", bùng nổ và lan truyền nhanh tới mức không thể kiểm soát.

Xét từ những điều trên, về áp lực của 9X thì thử hỏi, sự phá phách của 9X có còn là vấn đề của mình họ? Toàn xã hội, mọi thành phần, các ngành chức năng, đặc biệt là những cơ quan phụ trách vấn đề giáo dục cần xem xét lại. Liệu nền giáo dục có chất lượng hay không khi: học sinh học quá tải, học trước quên sau, kiến thức tiếp thu được thì ít mà rơi rớt thì nhiều, lẫn lộn với nhau; đào tạo ra những con người chỉ biết tới bản thân.

Đó là một câu hỏi lớn không dễ trả lời. Bố mẹ các bạn 9X cũng bị cuốn theo: đưa đón con em đi học, nhìn con phờ phạc, mệt mỏi... cũng chỉ bất lực đứng nhìn chứ biết làm gì khác ngoài cố chăm sóc, cho con ăn uống đầy đủ.

Cá nhân tôi còn đòi hỏi ở giới trẻ cả những cảm xúc và suy nghĩ về xã hội, về thế giới xung quanh, về tình cảm yêu thương gia đình. Nhưng để làm được điều đó, có lẽ một ngày cần có 34 tiếng mới đủ để làm tất cả.

Đây là lúc để nhìn nhận xem nền giáo dục nước nhà đã phát huy vai trò đến đâu

theo Vnexpress

Thursday, September 24, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Nỗi buồn của một học sinh thế hệ 9X"

Write a comment