Ca sỹ Mỹ Linh

Hàng ngàn bạn trẻ vẫn tiếp tục háo hức tìm đến với các cuộc thi hát đủ dạng liên tục được tổ chức trong năm. Câu chuyện âm nhạc hôm nay sẽ chia sẻ với các bạn thí sinh về “Nghệ thuật truyền cảm xúc” hay đơn giản là làm sao hát có “hồn”?

Để thể hiện một bài hát không chỉ là chuyện thuộc lời, nhớ giai điệu, hát đúng nhịp và ăn mặc hợp thời trang. Tất cả những điều đó chỉ mới là những yếu tố căn bản. Để trở thành một ca sĩ thực thụ là cả một quá trình đầu tư rèn luyện về nhiều mặt và không hề đơn giản. Trong quá trình đó, điều cốt yếu mà một ca sĩ không thể thiếu là khả năng thể hiện ca khúc một cách "có hồn". Hơn thế nữa, phải nắm vững "nghệ thuật truyền cảm hứng" cho khán thính giả.

Không thiếu những bạn trẻ có chất giọng tốt nhưng khi hát vẫn chưa biết cách truyền được nhạc cảm của mình qua khúc hát nên không tạo được ấn tượng cho người nghe. Những yếu tố như được đào tạo thanh nhạc, kĩ thuật giữ hơi, nhả chữ, luyến láy chỉ là “vôi vữa” để xây nên một ca khúc thành công. Có thể bạn sử dụng kĩ thuật để khỏa lấp khuyết điểm của giọng hát nhưng nó cần được hòa quyện trong sự tự nhiên của cảm xúc mới dễ vào tai người nghe.

Ca sĩ Thanh Lam dạo đầu, khi khán giả mới biết tới chị qua Giọt nắng bên thềm, Em và Tôi, Đánh thức tầm xuân, Chia tay hoàng hôn,…hát tự nhiên, mộc mạc và quyến rũ đến lạ thường. Khán giả chỉ có thể cảm nhận được sự ngọt ngào của giọng hát, cảm xúc được chia sẻ. Nhưng gần đây, ca sĩ Thanh Lam đã hơi nghiêng về khâu thể hiện các kĩ thuật “siêu” của một diva mà đôi khi quên chăm sóc phần “tự nhiên” đã làm cho giọng hát chị khó nghe hơn. Thế là live show Lam xưa xuất hiện.

Một số bạn trẻ khi đến với cuộc thi chỉ chú ý tới việc ăn mặc đẹp, chuẩn bị những bước nhảy thật ấn tượng, và trau chuốt giọng hát sao cho ra vẻ “điêu luyện” nhưng lại không tạo được ấn tượng cho người nghe. Vì sao? Bởi các bạn thiếu sự chăm sóc cho phần “hồn” của ca khúc mình trình bày. Mỗi nhạc sĩ khi sáng tác ít nhiều đều gởi những xúc cảm, những thông điệp mang sắc thái riêng của mình trong ca khúc, vì vậy việc hiểu được tác giả và nắm bắt được “tinh thần” của ca khúc sẽ giúp ích cho các bạn khi hát rất nhiều.

Có một vấn đề đặt ra là hiện nay ca sĩ cũng như các thí sinh khi đi thi thường đặt nhạc sĩ sáng tác ca khúc mới cho riêng mình. Điều này có mặt lợi vì đó là một ca khúc mới toanh, thu hút được sự chú ý của khán giả. Hơn nữa với một ca khúc hoàn toàn mới, ca sĩ có thể thể hiện cảm xúc theo ý mình, và không bị chi phối bởi dấu ấn của một ca sĩ khác đã từng thể hiện thành công ca khúc đó. Mặt không lợi chính là đôi khi do ca khúc được sáng tác theo đơn đặt hàng nên thiếu đi sự rung cảm chân thật và sự thăng hoa cần thiết của người nhạc sĩ, áp lực từ cái “đơn đặt hàng” sẽ làm giảm đi ít nhiều sự “tự nhiên”. Vì vậy càng chăm sóc kĩ cho những ca khúc được đặt riêng cho mình thì sẽ mang lại những hiệu quả rất cao, đó có thể là sự chăm chút theo “chiều sâu” cho ca khúc, viết phù hợp với tầm cử giọng, phù hợp với cá tính và tâm trạng của người hát. Điều đó sẽ giúp cho người hát dễ thể hiện được chiều sâu nhạc cảm và bộc lộ được cá tính, phong cách riêng của mình. Và đó cũng là một trong những lý do khiến ca sĩ ngày càng thích hát những ca khúc do chính mình sáng tác, hay nhiều nhạc sĩ thích làm ca sĩ.

Khi ca sĩ ra sân khấu trình bày một ca khúc thường có hiện tượng “giao lưu” và “cộng hưởng” cảm xúc giữa người nghệ sĩ và công chúng. Vì chính lúc người ca sĩ- người mang nghệ thuật đến với khán giả cất lên tiếng hát thì sự ngăn cách của không gian ( khoảng không giữa ca sĩ và chỗ ngồi của khán giả, khoảng không xa lạ giữa 2 con người không quen biết ) đã bị phá vỡ, và chiếc cầu nối chính là giọng hát và ca khúc. Nghệ thuật được thăng hoa và nó được nuôi dưỡng bằng cảm xúc.

Điều đó cũng lý giải tại sao khi Madonna ra sân khấu thì hầu như mọi khán giả đều nhún nhảy theo cô, hay khi Phương Thanh cất tiếng thì khán giả hát theo răm rắp,…Đó chính là nghệ thuật “thắp lửa” và “truyền lửa”. “Lửa” có thể hiểu theo nhiều cách và mỗi ca sĩ có thể chọn cho mình một sự thể hiện riêng. Nó không chỉ là không khí âm nhạc sôi động, náo nhiệt mà chính giọng hát, ca khúc nhen nhóm trong lòng người nghe một tia hy vọng, một ý nghĩ, hay sự đồng cảm…

Yếu tố đầu tiên để tạo ra ca khúc có “hồn” chính là hát “thật”. “Thật” trước tiên chính là không hát “nhép”, và khi các thí sinh đi thi giọng hát hay thì hát “thật” là lợi thế, cơ hội để mình bộc lộ hết khả năng. “Thật” thứ hai chính là sự “chân thật” của chính mình. Đừng tạo ra những điệu bộ, dáng vẻ biểu diễn không thực sự là của bạn, khán giả rất tinh mắt để nhận ra, một khi nó không phù hợp với ca khúc mà bạn trình bày thì nó trở thành “kệch cỡm”.

“Thật” thứ ba chính là bạn phải hiểu mình đang hát gì, thể loại nhạc nào và trung thành với những đặc điểm cơ bản nhất của nó. Một vài gợi ý cho những sáng tạo mới của lớp ca sĩ trẻ hôm nay. Và chính các ca sĩ, các thí sinh hôm nay sẽ cảm nhận việc hát “thật” quan trọng như thế nào để tạo cảm xúc.

Có thể có nhiều cách để hát thành công nhạc Trịnh, nhưng qua nhiều giọng hát thành công như Khánh Ly, Ngọc Lan, Lệ Thu,…hay Quang Dũng, Hồng Nhung,…thì Nhạc Trịnh có vẻ thích hợp với lối hát “tự nhiên” hơn, bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói điều gì xa xôi đâu, tất cả đều là tình yêu, con người và cuộc đời này.

Linh hồn của ca khúc và sự thành công khi hát một ca khúc đôi khi không nằm trong tầm kiểm soát của ca sĩ. Đó còn là phút “xuất thần” thật sự, sự giao thoa của những “rung cảm” rất tinh tế giữa người ca sĩ và khán giả. Đó là lý do tại sao có lần bạn phải “rợn tóc gáy” khi nghe Khánh Ly hát Diễm xưa, Lệ Thu hát Nửa hồn thương đau, hay Lê Uyên hát Vũng lầy của chúng ta,…Cũng ca khúc ấy, nhưng chỉ Phương Thanh hát được Giã từ dĩ vãng, hay chỉ mình Mỹ Linh mới để lại dấu ấn riêng khi hát Trên đỉnh Phù Vân,….Có lẽ sự hài hòa giữa giọng hát và ca khúc, hay sự gặp gỡ giữa ca khúc và ca sĩ có thể tạo nên những ca khúc có “hồn”!?

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp cũng cho rằng: “hát hay một ca khúc chính là hát có hồn, hát bằng cảm xúc và sự chân thật. Ca sĩ phải tạo được sự cộng hưởng, có được nội lực được truyền từ khán giả thì sẽ hát hay hơn…”

Ca sĩ Ánh Tuyết cũng từng tâm sự: “Làm ca sĩ rất cần cái Tâm. Hát và giữ được lửa trên sân khấu là điều quan trọng, hát hay chưa đủ mà cần tạo được sự rung động, chia sẻ với khán giả. Hát thật cũng là điều theo tôi rất quan trọng để thành công.”

Ca sĩ Jazz và Blues Coco York: “Âm nhạc là sự rung động mang sức hút nam châm…khi hát, tôi mang sự rung động đó truyền tải qua một tần số mà những ai bắt được nó cũng sẽ rung động như tôi…”

Cố nhiên chúng ta không thể làm vừa lòng tất cả khán giả. Mỗi ca sĩ sẽ có sự sẻ chia, đồng cảm nhất định với một số đông khán giả. Và khi hát bằng chính những cảm xúc, bằng sự đam mê và sự tự nhiên của âm nhạc, đừng quá gò bó ca khúc trong những kĩ thuật “thô thiển”, đừng ép ca khúc phải là bài học đạo đức lớn lao hay là những bản tình bi lụy đau thương mà hãy để nó là chính nó…thì có thể bạn đã bắt đầu có thể với tới chìa khóa của sự thành công!

Thursday, September 24, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "“Nghệ thuật truyền cảm xúc”"

Write a comment