Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình yêu đích thực vẫn luôn trong sáng, diệu kỳ, cứu rỗi tâm hồn con người với đủ mọi cung bậc vui sướng đau buồn. Người có HIV/AIDS có cuộc sống đầy biến động, đôi khi họ bị nhấn chìm dưới sự kỳ thị, ngăn cản của người thân, bạn bè, cộng đồng. Tình yêu của họ vì thế cũng không giống những người bình thường, nhưng vẫn khiến những ai khi tìm hiểu sâu hơn về đời sống của họ phải cảm thấy xúc động và xót xa.

Những đôi đũa lệch

Có ai đó nói rằng, tình yêu làm cho người phụ nữ khiêm nhường nhất cũng trở nên rạng rỡ. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã gặp rất nhiều người phụ nữ có HIV/AIDS ở các vùng miền trên cả nước. Dù chỉ mang tính xã giao, cũng khó có thể nói rằng họ có vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm, bởi nỗi đau khổ, sự mệt mỏi, thời gian và những lo toan cho cuộc sống đang diễn ra hàng ngày hằn vết rất rõ trên gương mặt họ.

Nhưng điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng là rất nhiều người trong số họ luôn được bao bọc trong tình yêu. Người cùng cảnh, anh thì mất vợ - chị mất chồng thương nhau đã là đáng quý, nhưng có không ít các chị có HIV/AIDS đã qua một lần đò, có con riêng hay từng có một quá khứ mà các bà mẹ chồng sẽ không dễ chấp nhận, vẫn khiến các chàng trai tân, không có HIV/AIDS một mực đòi yêu và tính chuyện hôn nhân.

Thật xúc động là những câu chuyện về các chàng trai cô gái khỏe mạnh muốn yêu và chung sống suốt đời với người có HIV/AIDS trên thực tế luôn nhiều hơn trên những trang báo, vì họ có nhiều lý do để không xuất hiện.

T. là một phụ nữ có HIV, chị đã ngoài 30 tuổi, chị không còn đẹp như thời thiếu nữ, gương mặt luôn thoáng nét ưu tư, mệt mỏi, nhưng chị vẫn khiến nhiều cô gái trẻ như tôi phải thầm ghen tị.

Ngoài 20 tuổi, T. đã nếm trải tất cả những cay đắng của một người vợ trẻ: Phát hiện ra chồng nghiện ma túy và có HIV khi đang mang thai đứa con đầu lòng, thế rồi chồng chị đột ngột qua đời khi chị còn chưa kịp sinh con, bị nhà chồng, hàng xóm, bạn bè ghẻ lạnh, ruồng rẫy ngay trong lúc vượt cạn, đứa cháu ruột mồ côi cha, vừa mới chào đời cũng bị nhà chồng chị hắt hủi.

Chị bị đối xử như kẻ tội đồ trong gia đình nhà chồng. Không chịu nổi, chị ôm con về nhà mẹ đẻ trong ánh nhìn miệt thị của xóm giềng, bị buộc thôi việc ở Trung tâm thể dục thẩm mỹ và không biết ngày mai mẹ con chị sẽ sống ra sao. Thế rồi dần dần, T. tham gia Câu lạc bộ Hoa xương rồng ở Quảng Ninh - nơi chuyên tư vấn sức khỏe và giúp đỡ những chị em phụ nữ có HIV và có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Ở đó, T. gặp chàng trai tân, kém chị 3 tuổi và không có HIV đem lòng cảm mến. Qua cung cách làm việc và ứng xử của chị, anh vẫn đinh ninh rằng chị là một cán bộ của dự án, chứ không phải đồng đẳng viên HIV. Khi T mời anh đi uống cafe và nói rõ hoàn cảnh của chị, anh đã lặng đi…

Nhưng rồi, chàng trai ấy mau chóng lấy lại bình tĩnh, bởi vì trên tất cả, anh yêu chị, anh thông cảm với quá khứ đau buồn kia và yêu thương cả đứa con gái bé bỏng của chị. Để yêu chị, anh chấp nhận đối mặt với vô vàn những khó khăn mà dư luận đánh giá về người có HIV.

Hiểu rõ hoàn cảnh của mình, T. không đòi hỏi nhiều ở người yêu. Có lẽ sự trải nghiệm đủ để cho T. nghĩ rằng, nếu một ngày kia, mối tình ấy tan vỡ, thì với chị, những ký ức hạnh phúc mà chàng trai trẻ ấy mang đến sẽ nhiều hơn là nỗi đau buồn, trách móc.

Phải chăng, đấy cũng chính là cách níu giữ người đàn ông của chị, mà các cô gái trẻ đầy hiếu thắng không có được?

Đùa với lửa

Sự kỳ thị của xã hội với người có HIV/AIDS nói chung vẫn còn rất nặng nề, nhiều người sợ tiết lộ bệnh sẽ làm "mất điểm" trong mắt bố mẹ vợ, bố mẹ chồng và đặc biệt là bố mẹ người yêu. Vì thế, tình trạng nửa kín nửa hở danh tính xảy ra với khá nhiều người có HIV/AIDS.

Vừa cần cởi mở và chia sẻ về căn bệnh của mình để tìm niềm vui sống, được khám chữa bệnh khi cần, lại vừa muốn bí mật để có một công việc, cuộc sống yên ổn, nhiều người có HIV vẫn phải tự xoay xở với tình cảnh "50/50" ấy. Cô gái T ở Câu lạc bộ Hoa xương rồng nói trên cũng chấp nhận không tiết lộ danh tính với bạn bè, cơ quan của người yêu - chàng trai không có HIV, vì chị sợ anh sẽ mất việc làm và kéo theo bao phiền toái khác.

N. là một thành viên trong mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng. Vợ anh và rất nhiều người cả trong lẫn ngoài giới đều biết anh là người có HIV, nhưng có hai người tuyệt đối không biết tình trạng này, đó là… bố mẹ vợ anh.

Nhắc đến bố mẹ vợ, N. chỉ cười tủm tỉm rất láu cá. Tình cảnh của anh đúng là đùa với lửa. Cái bí mật đó đã được giữ tới cả chục năm nay. Nếu lỡ có một ngày bố mẹ vợ anh biết chuyện tày trời đó, các cụ xót con gái, thì không hiểu mọi chuyện sẽ ra sao. Nhưng dù có thế nào, điều quan trọng là N đã thành thật với vợ, làm cho cô ấy hạnh phúc, muốn có con và muốn được chung sống suốt đời bên anh.

Dường như rất nhiều người đinh ninh rằng, chỉ những người nghiện ma túy, gái mại dâm, đồng tính hay người có lối sống buông thả mới có HIV, những người có vẻ đứng đắn, sống lành mạnh thì không có HIV.

Vì thế, đôi khi chúng ta đã vô tình đùa cợt với chính tính mạng của mình. Trong mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng, một mối tình giữa cô gái có HIV và chàng trai không có HIV đã đi đến kết cục đau lòng vì sự mù quáng như thế.

Sau một thời gian yêu nhau, cô gái đã thành thật nói với chàng trai về căn bệnh của mình để gìn giữ cho người yêu, nhưng chàng trai nhất định không tin. Cô gái có nói thế nào, anh vẫn cho rằng cô nói đùa và quả quyết: "Tử tế như em không thể có HIV được!". Thế rồi mọi chuyện diễn ra như không thể khác. Thật không may mắn cho chàng trai ấy, sau khi nhiễm HIV, anh bị chuyển sang giai đoạn AIDS rất nhanh và qua đời chỉ sau mấy tháng.

Càng có HIV càng phải giữ gìn

Nhiều người cho rằng, có HIV là hết, là sẽ trả thù đời bằng cách đi lây bệnh cho người khác, nếu một đôi trai gái cùng có HIV rồi thì sẽ bất cần, sẽ tha hồ sống phóng túng. Nhưng trên thực tế, những người có HIV/AIDS và hiểu biết về căn bệnh này đang sống hoàn toàn ngược lại. Càng có HIV thì càng phải giữ gìn.

Vì đơn giản, nếu người có HIV quan hệ tình dục không bảo vệ và bị lây HIV chủng khác, các con virus này hợp sức kháng thuốc ARV thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Người có HIV giai đoạn đầu có thể sống hoàn toàn bình thường, nhưng nếu chỉ số CD4 xuống dưới mức cho phép, họ phải dùng thuốc ARV ức chế sự phát triển của virus.

Tuy không điều trị được bệnh HIV/AIDS, nhưng tác dụng của thuốc ARV đang giúp rất nhiều người có HIV sống khoẻ mạnh. Nếu bị kháng thuốc, tức là tước đi thứ vũ khí cuối cùng chống lại HIV, người bệnh có thể diễn tiến giai đoạn AIDS rất nhanh và tử vong. Ngay cả hai vợ chồng cùng có HIV vẫn có thể mang hai chủng HIV khác nhau. Vì thế, khi đã có HIV, ngoài việc phải giữ gìn, không quan hệ tình dục bừa bãi thì người có HIV còn phải chung thuỷ tuyệt đối với… bao cao su.

Tiếc rằng, trước khi những kiến thức này đến được với người có HIV, thì nhiều người đã trót sống buông thả, bất cần, trả thù đời… và phải chịu hậu quả đau lòng. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã ghi nhận, việc luôn phải dùng bao cao su khi quan hệ tình dục khiến người có HIV cảm thấy ức chế, mệt mỏi và muốn buông xuôi.

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, người có HIV muốn giữ tính mạng của mình, thì chẳng còn cách nào khác. Vì thế, đây cũng là một điều rất thực tế mà nhiều chuyên gia về phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh: "Tốt nhất là đừng để mình bị nhiễm HIV!"


Phù Vân - CAND Online

Thursday, September 24, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Muôn mặt... tình yêu trong thế giới người có… HIV/AIDS"

Write a comment