“Tôi còn nhớ trong lần đang dạy học, trời nóng bức, người các con nổi đầy mụn ngứa, gãi đến tứa máu ra. Khi cầm tay các con dạy tập viết, thấy máu dính vào tay mình, tôi đã phát hoảng vì sợ”, cô giáo Đinh Thị Thuỷ tâm sự.

Bỏ qua kỳ thị để dạy dỗ các em

Cách Hà Nội không xa, có một lớp học đặc biệt (thuộc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2, tỉnh Hà Tây) dành cho những trẻ em mồ côi bị bỏ rơi đang mang trong mình virus của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Là cô giáo dạy giỏi nhiều năm liền ở trường tiểu học Việt - Mông, cô giáo Đinh Thị Thuỷ đã tình nguyện vào dạy cho 12 học sinh lứa tuổi khác nhau ở trung tâm.

Vì thiếu biên chế, cô giáo lại phải “đa năng” dạy ghép cả lớp 1 lẫn lớp 2. Chăm trẻ đã khổ, dạy trẻ có HIV lại càng vất vả hơn. Cô Thủy tâm sự: “Lần đầu tiên tiếp xúc với các em tôi rất bỡ ngỡ và lo lắng vì kiến thức phòng tránh lây nhiễm HIV với tôi chưa nhiều. Tôi còn nhớ trong lần đang dạy học, trời nóng bức, người các con nổi đầy mụn ngứa, gãi đến tứa máu ra. Khi cầm tay các con dạy tập viết, thấy máu dính vào tay mình, tôi đã phát hoảng vì sợ”.

Thời gian đó, cô Thủy rất nản lòng, vừa sợ mình bị lây bệnh khi dạy các em, vừa bị chồng con và gia đình kịch liệt phản đối cô khi nhận nhiệm vụ này. Nhưng rồi, những ánh mắt ngây thơ của con trẻ đã níu lòng cô Thuỷ lại.

Khi tôi tìm hiểu đọc nhiều tài liệu và biết rằng căn bệnh này không như mình tưởng và mọi người thường nói. Tôi kiên trì thuyết phục các thành viên trong gia đình. Bây giờ tôi không thấy lo lắng, hoảng sợ nữa mà những người thân yêu của tôi còn cùng tôi mang niềm vui và hạnh phúc đến cho các con, cô Thuỷ cho biết.

Cô Nguyễn Thị Phương, giám đốc Trung tâm cho biết: “Chúng tôi rất cảm phục cô Thuỷ. Dạy trẻ em có HIV cần phải kiên trì vì cơ thể của các cháu suy nhược, các cháu phải uống thuốc ANV vào 8 giờ sáng hằng ngày để hạn chế sự phát triển của bệnh, khi uống xong, các cháu rất mệt, trí thông minh của các cháu cũng bị ảnh hưởng, lại thiếu thốn tình cảm gia đình nên tâm lý và sức khỏe của các cháu hay bất thường. Cô Thuỷ rất vất vả, phải có lòng thương từ trái tim thì mới dạy dỗ các em được”.

Rất cần có một tấm lòng

Mới lọt lòng các em đã bị bỏ rơi nên đối với các em khái niệm gia đình rất trừu tượng mà chúng chỉ biết rằng gia đình chúng là trung tâm và mẹ của chúng là cô giáo và các mẹ hàng ngày chăm bẵm chúng.

Vì thế, mỗi lần được cô giáo Thuỷ cho ra nhà chơi, chúng rất thích. Ở đó, chúng được thoả thích đùa chơi, được cô chăm chút và sống những giây phút hiếm hoi của không khí gia đình với gia đình cô.

Nhiều lần tâm sự với cô giáo, các em mơ ước được hòa mình học chung với các bạn bình thường khác.

Cô giáo Định Thị Thủy đã viết đơn yêu cầu Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 cho các em bị nhiễm HIV được học chung với những học sinh bình thường.

5 em học sinh lớp 2 vui sướng khi được học chung, hoà nhập với các bạn học sinh trường Việt - Mông, nhưng rồi, chúng đành ngậm ngùi trở về lớp tại trung tâm bởi một số phụ huynh phản đối kịch liệt, chửi bới, lăng mạ, xúc phạm giáo viên, đe doạ trung tâm và các em bé tội nghiệp. Thậm chí họ chặn cổng trường, cửa lớp không cho học sinh vào lớp. Những hành động đó đã làm các em bị tổn thương.

Cô Thuỷ tâm sự: “Lúc đó, tôi rất buồn vì bấy lâu nay các em được mọi người trong trung tâm yêu thương, an ủi, vỗ về để quên đi nỗi đau của thể xác, thì nay những lời nói cay độc khiến các em bị tổn thương nặng nề. Tôi an ủi các em rằng: Họ làm thế chẳng qua là họ chưa hiểu các con. Đến một ngày nào đó, họ sẽ hiểu”.

Với tấm lòng của cô Thủy, bọn trẻ rất yêu thương và quý cô. Chúng cố gắng học thật giỏi để không phụ công lao dạy dỗ của cô giáo. Nhiều bé còn liên tục đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi, chẳng khác các bạn ở trường.

Sống trong đời cần có một tấm lòng”, cô Đinh Thị Thuỷ đã viết lên một chuyện cổ tích rất cảm động giữa đời thường

Thursday, September 24, 2009 Posted in | , | 0 Comments »

One Responses to "Bảo mẫu của những học sinh HIV"

Write a comment